Đó là bệnh "còn ống động mạch" - một dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10-12% các trường hợp bệnh tim bẩm sinh. Do bệnh diễn tiến âm thầm nên ít được phát hiện sớm, trong khi việc phát hiện bệnh trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đó là bệnh “còn ống động mạch” - một dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10-12% các trường hợp bệnh tim bẩm sinh. Do bệnh diễn tiến âm thầm nên ít được phát hiện sớm, trong khi việc phát hiện bệnh trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khám cho một bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe sau khi được can thiệp bít ống động mạch. Ảnh: Đ.Ngọc |
Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết lúc còn trong bào thai, do bé chưa tự thở được nên có tồn tại một “ống thông” động mạch chủ và động mạch phổi, giúp máu từ mẹ đi qua ống động mạch để đi vào động mạch chủ nuôi cơ thể trẻ. Khi trẻ ra đời, “ống thông” này không cần thiết nữa, có khoảng 95% tự bít khoảng 2 tuần sau sinh. Nếu sau 3 tháng sau sinh chưa bít thì hầu như không tự đóng được, sẽ bị dị tật bẩm sinh là bệnh còn ống động mạch.
* Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Huy, nếu để bệnh lâu ngày không điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: suy tim, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, rung nhĩ, tăng áp động mạch phổi... Nguyên nhân dẫn đến suy tim là vì có sự tồn tại “ống thông” khiến tim thay vì chỉ bơm máu ra động mạch ngoại biên để nuôi cơ thể, lại bơm một phần qua động mạch phổi. Lâu ngày tim hoạt động nhiều quá sẽ bị suy vì phải nuôi 2 chỗ: động mạch ngoại biên và phổi. Việc bơm máu quá nhiều lên phổi cũng làm áp lực bên phổi tăng gây biến chứng khó thở. Những dòng thông lung tung cũng tạo thuận lợi nhiễm khuẩn trong màng tim, bệnh nhân dễ tử vong vì nhiễm khuẩn. 1/3 bệnh nhân tử vong ở độ tuổi 40, cao nhất cũng chỉ sống khoảng 60 tuổi vì bị nhiều biến chứng.
Việc duy nhất để chữa khỏi bệnh còn ống động mạch là bít ống này lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có không ít người đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng, lỗ thông có kích thước lớn, có nhiều biến chứng nên không thể đóng được. Nguyên nhân là do bệnh diễn tiến khá âm thầm, bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt hơn khi gắng sức chứ không tím tái, khó thở như các bệnh tim bẩm sinh khác nên nhiều người còn chủ quan.
Như trường hợp anh Trần Văn Hùng (ngụ tại huyện Trảng Bom) mới phát ra bệnh cách đây 2 tháng trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ. Trước đó, anh Hùng không có triệu chứng gì khác lạ. Tuy nhiên, những ngày gần đây anh thường xuyên mệt, khó thở, tức ngực. Khi đi khám bệnh, mới biết bệnh đã có nặng hơn, có biến chứng tăng áp động mạch phổi. Đây là một ca bệnh được đánh giá là khá nặng, vì khi có biến chứng tăng áp động mạch phổi cũng sắp tới giai đoạn không bít được ống động mạch. Rất may, anh Hùng đã được các bác sĩ khoa tim mạch can thiệp bít thành công lỗ thông bằng phương pháp can thiệp tim mạch.
* Chữa sớm, tỷ lệ khỏi bệnh cao
Có thể nói, bệnh còn ống động mạch nếu được phát hiện và can thiệp ngoại khoa bít lỗ thông sớm thì khả năng khỏi bệnh rất cao. Bằng phương pháp can thiệp tim mạch, các bác sĩ sẽ đưa một ống thông đi theo đường tĩnh mạch đùi, đưa dù lên theo ống thông, khi đưa dù lên đúng vị trí sẽ bung ra bít lỗ thông này lại. Khi ống động mạch được bít lại, tim và phổi hoạt động bình thường, bệnh nhân sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, giảm biến chứng hơn nhiều so với mổ hở.
Sau hơn 1 tuần được can thiệp tim mạch để bít ống động mạch, em Nguyễn Thị Khánh Linh (ngụ tại TP.Biên Hòa) đã khỏe hơn. Nhờ được khám sức khỏe để thi vào ngành công an, em mới biết mình bị căn bệnh tim bẩm sinh này. Khi được bác sĩ giải thích về mức độ nguy hiểm của bệnh, cha mẹ của em đã nhanh chóng cho em đến bệnh viện để bít ống thông này lại.
Bác sĩ Phạm Quang Huy cho biết thêm, sau khi bít lỗ thông thành công cũng là triệt tiêu được nguyên nhân gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Bệnh càng được phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi rất cao. Để sàng lọc bệnh rất đơn giản, chỉ cần đi khám sức khỏe định kỳ. Thông thường khi đặt ống nghe ở tim bệnh nhân sẽ nghe được một âm thổi rất đặc trưng. Khi phát hiện ra bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương pháp, thời gian điều trị cho phù hợp.
Cẩn trọng khi bị mệt, khó thở kéo dài Hơn 3 năm qua, cùng với các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh) Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã can thiệp tim mạch cho 96 ca bị bệnh tim bẩm sinh các loại, trong đó đa số là bệnh còn ống động mạch. Đa phần bệnh nhân đến chữa bệnh đều không biết mình mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh nguy hiểm này. Họ chỉ đến khám bệnh vì thấy mệt, khó thở, lúc này nhiều người đã có biến chứng suy tim. Do đó, nếu bệnh nhân có triệu chứng nói trên nên đi khám bệnh tại các cơ sở y tế uy tín, chỉ cần siêu âm tim là có thể phát hiện ra bệnh sớm để điều trị cho kịp thời. |
Đặng Ngọc (ghi)