Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 cho người lao động khối doanh nghiệp để trình Chính phủ phê duyệt.
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 cho người lao động khối doanh nghiệp để trình Chính phủ phê duyệt. Với mức tăng trung bình chỉ 7,3% (từ 180-250 ngàn đồng, tùy vùng), không ít người lao động tiếp tục phải lo lắng về cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Lao động may mặc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa |
Lương tối thiểu chỉ tăng thêm 7,3% còn đồng nghĩa với mục tiêu tới năm 2017, lương tối thiểu phải đáp ứng đời sống tối thiểu không trở thành hiện thực.
Khó thuyết phục người lao động
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu mức lương tối thiểu 2017 tăng thêm 7,3% thì đời sống công nhân mới chỉ đáp ứng được 80% đời sống tối thiểu. Đó là chưa kể tới các yếu tố khách quan như giá cả tiêu dùng thường biến động, tác động không nhỏ tới đời sống công nhân.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho rằng đầu năm 2017 lương tối thiểu của công nhân sẽ tăng từ 3,5 triệu đồng lên 3, 713 triệu đồng (vùng I). Nếu công nhân không có tăng ca, không có phụ cấp sẽ không đủ sống, trong đó chiếm nhiều nhất vẫn là tiền ăn uống hàng ngày, nhà trọ, điện nước đi kèm, đó là chưa kể tới những công nhân có con ở tuổi đi học.
Theo nhiều công nhân, để lương có thể đạt mức sống tối thiểu, người lao động bắt buộc phải tăng ca, kể cả vào ngày chủ nhật, hoặc phải tiết kiệm tối đa trong chi tiêu hàng ngày. Nhiều công nhân khi tìm việc đều chú trọng tìm những doanh nghiệp thường xuyên tổ chức tăng ca, nếu không tăng ca, chỉ dựa vào lương làm giờ hành chính sẽ không đủ chi tiêu cho cuộc sống.
Chị Phạm Thị Thảo, công nhân Công ty TNHH Fashy Viễn Đông (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), băn khoăn: “Lương tối thiểu năm nào cũng tăng, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được đời sống tối thiểu, nhất là những lao động đã có con nhỏ thì không biết tới khi nào mới có thể tích lũy để mua đất, mua nhà, hay cứ ở hoài nhà trọ cho tới già?”.
Cần hỗ trợ thêm
So với mức tăng lương tối thiểu từ năm 2014 trở lại đây, thì mức tăng trung bình năm 2017 tới đây được coi là năm có mức tăng thấp nhất. Cụ thể, năm 2014 tăng trung bình 14%, năm 2015 tăng trung bình 13%, năm 2016 là trung bình 12,4%. Việc lương tối thiểu năm 2017 chỉ tăng trung bình 7,3% được coi là bước thụt lùi trong cải cách tiền lương cho lao động khối doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình.
Theo phương án lương tối thiểu của Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 3 vùng áp dụng với 3 mức tăng khác nhau. Cụ thể, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom tăng thêm 250 ngàn đồng (từ 3,5 triệu đồng lên 3,75 triệu đồng). Vùng II gồm các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, TX.Long Khánh tăng thêm 220 ngàn đồng (từ 3,1 triệu đồng lên 3,32 triệu đồng). Vùng III gồm các huyện: Thống Nhất, Tân Phú, Cẩm Mỹ tăng 200 ngàn đồng (từ 2,7 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng).
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho rằng với một tỉnh có hơn 1 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp như Đồng Nai thì mức lương tới thiểu hàng năm luôn tác động rất đáng kể tới đời sống công nhân. Đây cũng là vấn đề mà công nhân rất mong chờ hàng năm. Chính vì vậy, trong khi mức tăng lương tối thiểu chưa thể đáp ứng được đời sống tối thiểu thì người lao động sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn.
Đề xuất các giải pháp để hỗ trợ người lao động có thể bớt khó khăn trong khi chờ lương tối thiểu có thể đáp ứng được đời sống tối thiểu, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập cho rằng phải tiếp tục vận động doanh nghiệp quan tâm hơn tới đời sống người lao động, như: tăng cường chất lượng bữa ăn, tạo thêm nhiều việc làm đi kèm với các chính sách phúc lợi cho công nhân. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều nhà trẻ, ký túc xá cho công nhân bớt đi gánh nặng về nơi gửi con nhỏ, nơi ở…
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương vùng năm 2017 là 11,11% ở phiên họp thứ nhất. Do không đạt được đồng thuận với các bên còn lại, Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chốt lại phương án tăng cuối cùng chỉ đạt trung bình là 7,3%. |
Công Nghĩa