Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ với ca 3

11:08, 21/08/2016

Đến Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài) vào khoảng 10 giờ đến 10 giờ 15 và từ 13 giờ 30 đến 14 giờ, cảnh tượng học sinh học ca 1, ca 2 và ca 3 cứ ùa ra, ùa vào như ong vỡ tổ.

Đến Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài) vào khoảng 10 giờ đến 10 giờ 15 và từ 13 giờ 30 đến 14 giờ, cảnh tượng học sinh học ca 1, ca 2 và ca 3 cứ ùa ra, ùa vào như ong vỡ tổ. Những học sinh học ca chiều cố len chân để vào được lớp. Những học sinh học ca trưa thì cố tìm mọi cách để thoát ra khỏi sân trường trong khi phụ huynh đứng ngoài nháo nhác tìm con.

Cô trò lớp 3/6 Trường tiểu học Phan Đình Phùng dạy, học giữa giờ trưa trong ngày đi học chính thức thứ hai 16-8. Ảnh: H.dung
Cô trò lớp 3/6 Trường tiểu học Phan Đình Phùng dạy, học giữa giờ trưa trong ngày đi học chính thức thứ hai của năm học 2016-2017

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Trường tiểu học Trảng Dài mà còn xảy ra ở các trường tiểu học đang phải dạy, học ca ba trên địa bàn TP.Biên Hòa suốt gần một tuần qua, kể từ ngày bắt đầu chương trình học chính.

* Cô, trò, phụ huynh đều mệt

Bà Phạm Thị Thoa có 2 con đang học tiểu học, THCS ở phường Trảng Dài. Chồng đi làm ăn xa nên một mình bà lo liệu việc ăn ở, học hành của các con. Năm ngoái, khi cô con gái nhỏ học lớp 2, cô chị có thể đưa đón em vì 2 chị em học cùng buổi. Nhưng đến đầu năm học này, điều đó không thể bởi cô em học lớp 3/2 Trường tiểu học Trảng Dài phải học vào giờ trưa (từ 10 giờ 30 đến 14 giờ). Để chu toàn công việc, hàng ngày bà Thoa thức dậy sớm lo đồ ăn sáng cho các con, đi bán hàng ngoài chợ. Đến khoảng 9 giờ, bà phải bỏ dở buổi chợ để chạy về nhà lo cho cô con gái học lớp 3 ăn trưa rồi đến trường. Mới chỉ 3 ngày đưa đi đón về vào cái giờ “tréo ngoe”, bà Thoa than thở: “Con học giữa giờ trưa làm xáo trộn mọi sinh hoạt của gia đình tôi. Hôm vừa rồi, tôi bán hàng về trễ thấy con gái đã mang quần áo, giày dép chỉnh tề chuẩn bị đi học. Thế là bữa đó chỉ cho cháu ăn vội cái bánh mì trên đường đến trường, rồi 2 giờ chiều tan học cháu mới được ăn cơm trưa. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ các cháu mệt mỏi mà đến phụ huynh cũng “lử đử” theo”.

Nguyễn Thị Hương, Giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, chia sẻ: “Giáo viên sẵn sàng dạy vào giờ trưa để học sinh có chỗ học nhưng thương các em vô cùng. Mặc dù cô giáo đã dặn và “ép” các em phải ăn cơm trước khi đến lớp và mang nước uống đi theo để đảm bảo sức khỏe, nhưng nhiều gia đình cha mẹ làm công nhân không chuẩn bị kịp cho các em được. Do đó, nhiều em phải nhịn đói đi học. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục. Với tình trạng học sinh quá đông như hiện nay, chỉ có nhanh chóng xây thêm trường học mới mới mong xóa được ca 3, ổn định việc dạy, học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển toàn diện cho trẻ”.

11 giờ 45, tại lớp 3/6 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình), cô Phạm Thị Thủy đang đọc bài đọc Tiếng Việt cho học sinh chép chính tả. Ngừng lại giây lát, cô Thủy hỏi: “Lớp mình có bạn nào chưa ăn trưa không?”, hơn 10 cánh tay học trò giơ lên cùng lời thưa: “Con chưa ăn”. Cậu bé Nguyễn Hồng Thanh Ngoan, nhà ở KP.5, phường Long Bình, nói: “Mẹ con đi bán vé số, cha làm thợ hồ, 2 anh trai đi học nên không có ai nấu cơm cho con ăn cả. Buổi trưa con thường hay nhịn đói, chiều đi học về con mới được ăn cơm. Nhiều hôm con đói bụng và mệt lắm”.

Nhìn 49 học trò phải ngồi học giữa giờ trưa nắng hầm hập, cô Thủy bộc bạch: “Nếu không học ca 3 thì học trò không có chỗ nào để ngồi học, không có sân chơi. Nhưng học vào giờ này, cứ đến tầm 12 giờ 30 là nhiều em ngồi ngáp ngắn, ngáp dài, mệt, không tập trung học được. Vào lúc 13 giờ 30, học sinh khối 2, khối 4 chuẩn bị vào học buổi chiều, học sinh lớp ca 3 chuẩn bị ra nên từ sân trường đến hành lang rất ồn ào, lộn xộn. Có những em học sinh khối 4 lên thấy lớp 3 đang học tưởng nhầm lớp mình nên chạy xộc vào lớp rồi lại chạy ra làm cho các em lớp 3 phân tâm, không thể nào học được”.

* Mong đẩy mạnh các dự án xây dựng trường học

Năm học 2016-2017, TP.Biên Hòa có 55 trường tiểu học và 31 trường THCS, 2 trường TH-THCS tư thục và 6 trường phổ thông tư thục nhiều cấp học có tuyển học sinh tiểu học, THCS (tăng 1 trường THCS công lập so với năm học trước). Trong khi đó, tổng số học sinh tiểu học, THCS toàn thành phố khoảng 142,4 ngàn em, tăng 8,1 ngàn em so với năm học trước. Những phường, xã có số học sinh tăng nhiều, như: Long Bình, Trảng Dài, Tân Hiệp, Phước Tân. Dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư cơ sở vật chất (1 trường THCS mới đã đi vào hoạt động, 10 công trình khác đang được xây dựng, tu sửa, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 và 2017), nhưng do số học sinh quá lớn nên gây ra tình trạng quá tải ở nhiều trường học. Trong đó, đã phát sinh ca 3 ở các trường tiểu học: Trảng Dài (phường Trảng Dài, 32 lớp), Phan Đình Phùng (phường Long Bình, 14 lớp), Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình, 4 lớp), Phan Bội Châu (phường Long Bình, 6 lớp).

Thầy Đoàn Kim Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng, cho biết: “Toàn trường chỉ có 29 phòng học nhưng có tới 73 lớp với hơn 3,3 ngàn học sinh. Để học sinh có chỗ học, nhà trường buộc phải cho 697 học sinh khối 3 học ca 3. Ngoài ra, phòng hội đồng cũng được dành cho học sinh buổi chiều học. Năm học này đội ngũ nhân sự nhà trường không thiếu, chỉ thiếu phòng học. Cả thầy cô, phụ huynh, học sinh đang phải cố gắng “thích ứng” với ca ba, nếu không thì không biết lấy chỗ nào để dạy, học”.

Lường trước được tình trạng ca 3 nên trước khi năm học mới bắt đầu, Ban giám hiệu Trường tiểu học Trảng Dài đã đi khảo sát tình hình cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn thành phố để thuê, mượn phòng cho học sinh. “Trường dự định sẽ thuê phòng của Trường cao đẳng thống kê Trung ương 2 ở phường Tân Hiệp vì nơi này còn dư phòng học. Nhưng xem xét tình hình thấy đường xa, lại thường kẹt xe nên nhiều phụ huynh không đồng tình. Do đó, hiện tại 32 lớp ca 3 của trường vẫn chưa có chỗ học. Những năm qua, Trường đại học công nghệ Đồng Nai đã giúp đỡ nhà trường rất nhiều trong việc cho muợn phòng học, giúp học sinh, giáo viên thoát ca 3. Năm nay, nhà trường hy vọng sẽ tiếp tục được Trường đại học công nghệ Đồng Nai hỗ trợ. Về lâu dài, tất cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trong phường mong muốn thành phố sớm khởi công xây dựng thêm trường học mới. Có như vậy, điệp khúc ca ba mới được giải quyết triệt để” - cô Đoàn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài đề xuất.

Nhiều học sinh tỏ ra mệt mỏi, buồn ngủ vì chưa kịp ăn trưa, không được ngủ trưa. Ảnh: H.Dung
Nhiều học sinh tỏ ra mệt mỏi, buồn ngủ vì chưa kịp ăn trưa, không được ngủ trưa.

Trước tình trạng thiếu trường, lớp học dẫn đến tình trạng ca 3, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa kiến nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT đề xuất với HĐND và UBND tỉnh có cơ chế về ngân sách phù hợp giúp Biên Hòa tháo gỡ khó khăn, có điều kiện về kinh phí để đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng các trường học công lập hiện hữu; UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có các chính sách, nguồn kinh phí để hỗ trợ TP.Biên Hòa trong việc thực hiện công tác đền bù, giải tỏa đối với các dự án đầu tư xây dựng trường học đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng trường lớp đối với các công trình đã có chủ trương; có ý kiến đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ trong việc tăng cường nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình giáo dục; chỉ đạo các phòng, ban của thành phố khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành các hạng mục công trình còn dang dở.

Bài và ảnh: Hạnh Dung



 

 

 

Tin xem nhiều