Ngày 20-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 404 phê duyệt đề án ''Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020'' (gọi tắt là đề án 404).
Ngày 20-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 404 phê duyệt đề án ‘’Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020’’ (gọi tắt là đề án 404).
Nhóm trẻ Mầm xanh của chị Nguyễn Thị Cúc (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đang nhận chăm sóc 52 trẻ từ 6 tháng trở lên (khoảng 60% trẻ dưới 12 tháng). Ảnh: N.SƠN |
Mục tiêu đề án mang tính nhân văn, góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ban hành, việc thực hiện đề án tại Đồng Nai vẫn còn gặp không ít khó khăn.
* Đề án mang tính nhân văn
Theo kế hoạch, Đồng Nai phấn đấu từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ đạt được tỷ lệ: 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và đảm bảo chất lượng; 20 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển; 95% các ông bố, bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp triển khai đề án được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ.
Ngoài việc đặt ra mục tiêu phấn đấu, kế hoạch triển khai thực hiện đề án 404 tỉnh cũng đề ra những nhiệm vụ tập trung thực hiện để đạt được những mục tiêu nêu trên vào năm 2020. Trong đó, các sở, ban, ngành có liên quan sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính, như: hỗ trợ, kiện toàn và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng; hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các ông bố, bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại khu vực khu công nghiệp; truyền thông vận động, giáo dục nâng cao nhận thức tại cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành có liên quan trong quản lý các nhóm trẻ độc lập tư thục; xây dựng và áp dụng cơ chế bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng...
Theo bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phó ban thường trực Ban điều hành đề án 404 tỉnh, điều đáng quan tâm của đề án là tạo ra những nhóm trẻ chất lượng, đảm bảo cho các trẻ là con công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được chăm sóc tốt nhất.
Khi biết tin nhóm trẻ nơi con mình đang học là một trong những nhóm được đầu tư kinh phí cải tạo và mua sắm thêm trang thiết bị, chị Lê Thị Bích Hằng, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, rất phấn khởi. Chị mong muốn các nhóm trẻ, trong đó có nhóm trẻ nơi con chị học được hỗ trợ nhiều hơn để con chị được chăm sóc, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, giúp chị yên tâm làm việc.
* Mới dừng lại ở công tác tuyên truyền
Từng là giáo viên mầm non, nhận thấy nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, cách đây 2 năm chị Nguyễn Thị Cúc ở ấp Đồng Nai (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) mạnh dạn thuê nhà, đầu tư trang thiết bị mở nhóm trẻ Mầm xanh. Chị Cúc cho biết, là một trong những nhóm trẻ được khảo sát để hỗ trợ, chị may mắn được tham gia lớp tập huấn và có cơ hội củng cố thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ. Điều mà chị mong muốn lúc này là tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để chị đầu tư cơ sở vật chất trong năm học này. |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện đề án, ngay khi nhận được kế hoạch và hướng dẫn triển khai đề án 404 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phó ban thường trực Ban điều hành đề án 404 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, quy chế hoạt động của ban điều hành đề án, phân công nhiệm vụ đối với từng sở, ngành, đoàn thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Trong đó, ngành y tế sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phối hợp với các bậc cha mẹ phòng bệnh cho trẻ; ngành lao động - thương binh và xã hội đảm bảo cho trẻ không bị xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS; Liên đoàn Lao động tỉnh vận động một số doanh nghiệp có đông lao động nữ đầu tư cho các nhóm trẻ, tuyên truyền cho công nhân lao động...
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tính đến nay đề án được thực hiện tập trung vào các hoạt động mang tính chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn triển khai thực hiện; khảo sát đầu vào, khảo sát nhu cầu của các nhóm đối tượng và tổ chức tuyên truyền về tầm quan trọng, vai trò của gia đình trong chăm sóc và phát triển của trẻ; vận động các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi gửi con tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; tổ chức các tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đạo đức nghề nghiệp cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu... giúp họ chăm sóc trẻ tốt hơn.
Bên cạnh hoạt động tập huấn, tuyên truyền, một hoạt động quan trọng của đề án là hỗ trợ kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho nhóm trẻ. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng định mức hỗ trợ đang được Sở GD-ĐT thực hiện. Theo quy trình, sau khi Sở GD-ĐT hoàn thành việc xây dựng định mức sẽ trình UBND tỉnh và trình HĐND tỉnh xem xét. Bà Lê Thị Ngọc Loan, lưu ý đây chỉ là nguồn kinh phí hỗ trợ, điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chủ nhóm trẻ trong việc chủ động đầu tư, nâng cấp nhóm trẻ để đảm bảo trẻ được chăm sóc tốt nhất.
Nga Sơn