Vượt qua 68 giải pháp tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2016, giải pháp "Thiết bị hỗ trợ tính toán cho người khiếm thị" của 2 học sinh Bùi Đào Quang Thành và Trần Quốc Thịnh (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) xuất sắc giành được số điểm cao nhất từ ban giám khảo cuộc thi.
Vượt qua 68 giải pháp tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2016, giải pháp “Thiết bị hỗ trợ tính toán cho người khiếm thị” của 2 học sinh Bùi Đào Quang Thành và Trần Quốc Thịnh (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) xuất sắc giành được số điểm cao nhất từ ban giám khảo cuộc thi.
Giải pháp này cũng từng đoạt giải nhất lĩnh vực và giải nhì toàn cuộc trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2015-2016.
Từ thực tế quan sát người khiếm thị, Quang Thành và Quốc Thịnh nhận thấy họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Việc học tập đối với họ, nhất là học các môn tự nhiên, như: Toán, Vật lý, Hóa học đòi hỏi tính toán nhiều nên càng khó khăn hơn. Để chuẩn bị cho đề tài này, Thành và Thịnh đến những trung tâm có học sinh khiếm thị đang theo học để quan sát, tìm hiểu kỹ hơn việc học tập của họ. Các em nhận thấy, trước đây người khiếm thị thường sử dụng bàn toán Sorogan để tính toán. Để sử dụng được bàn toán này, yêu cầu người khiếm thị phải nhớ cách di chuyển tay, phải luôn nói to trong khi làm các thao tác và dùng ngón tay cái của tay phải để đặt số, xóa số trong phạm vi 4. Những thao tác phức tạp này khiến người khiếm thị khó nhớ, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của họ.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Thành và Thịnh quyết tâm tạo nên một thiết bị hỗ trợ tính toán cho người khiếm thị, giúp họ có cơ hội tiếp xúc và tính toán nhiều hơn, giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Yêu cầu về thiết bị này phải nhỏ gọn, tiện lợi và giá thành rẻ.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu những thiết bị, kiểu chữ dành cho người khiếm thị, Thành và Thịnh bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về màn hình chữ nổi, mua các sản phẩm để thực hiện ý tưởng chữ nổi. Hơn 2 tháng với nhiều lần nâng cấp, cải tiến, thử nghiệm sản phẩm này, 2 học sinh đam mê nghiên cứu khoa học đã hoàn thành màn hình chữ nổi cơ bản. Tiếp tục nâng cấp bộ thiết bị này, Thành và Thịnh không ít lần vấp phải thất bại, nhất là trong việc chế tạo nam châm điện. Qua nhiều lần thử nghiệm và chế tạo những bộ phận liên quan của thiết bị, thành công đã mỉm cười với 2 em khi gờ nổi đầu tiên hoạt động suôn sẻ.
Sau khi kết nối các thiết bị, nhóm học trò thu được kết quả là một sản phẩm bao gồm một bàn phím được gắn gờ nổi theo chuẩn Braille, cho phép xử lý được các phép toán trong phạm vi 4 chữ số. Thiết bị này có khả năng kết nối các tín hiệu với một máy tính được lập trình nhằm xử lý số và các phép toán đơn giản. Thành và Thịnh đem thiết bị này để khảo sát việc sử dụng đối với 8 học sinh khiếm thị, một giáo viên cũng là người khiếm thị và cho phản hồi tốt. Thiết bị đáp ứng được nhu cầu cơ bản đặt ra như tính toán được các phép tính trong phạm vi 4 chữ số và có thể đưa vào để giảng dạy cho học sinh là người khuyết tật, đồng thời giúp người khiếm thị có thể sử dụng hàng ngày để tính toán.
Trong tương lai, Thành và Thịnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến thiết bị sao cho nhỏ, gọn, gờ nổi mềm hơn, giúp người khiếm thị sử dụng máy tính này đạt hiệu quả cao nhất.
An Yên