"Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau…" là câu hát mà những đứa trẻ mồ côi ở Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội Diệu Pháp (TP.Biên Hòa) hồn nhiên cất lên khiến người nghe không khỏi ngậm ngùi.
“Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau…” là câu hát mà những đứa trẻ mồ côi ở Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội Diệu Pháp (TP.Biên Hòa) hồn nhiên cất lên khiến người nghe không khỏi ngậm ngùi.
Mồ côi cha mẹ, bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, chưa một lần được nhìn thấy cha mẹ nhưng trong tiềm thức của các em vẫn luôn khao khát có được hơi ấm tình thân, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của đấng sinh thành.
* Khao khát tình thương
Lọt lòng mẹ được 4 ngày tuổi, 2 anh em song sinh Hồ Đức Diệu Hạnh (thường gọi là Hươu) và Hồ Đức Diệu Phúc (thường gọi là Nai) bị cha mẹ bỏ rơi phía sau chùa, được các ni sư chùa Diệu Pháp phát hiện và mang về nuôi. Hươu và Nai là 2 trong số 102 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi đang sinh sống tại Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng Diệu Pháp (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa). Với vẻ ngoài hoạt bát, Nai (năm nay 9 tuổi) hồn nhiên tâm sự: “So với bạn bè ở bên ngoài, chúng em ở trong chùa không thiếu thốn gì. Chúng em chỉ khác các bạn ở chỗ hàng ngày các bạn có cha mẹ đưa rước đi học còn tụi em là các anh chị lớn trong chùa thay nhau đưa rước”.
Trẻ mồ côi tại Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội Diệu Pháp chơi xích đu. |
Trường hợp của em Phan Trung Kính (11 tuổi) có đặc biệt hơn. Theo lời kể của sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa Diệu Pháp, cha Kính mất sớm, mẹ em thì đau ốm triền miên, nhà lại đông con nên chùa nhận nuôi Kính để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Còn mẹ, có anh chị nhưng từ ngày chùa mang Kính về nuôi, người thân không một ai ghé thăm một lần. Có lẽ vì lớn tuổi hơn nên Kính không còn hồn nhiên như Nai, khuôn mặt em thoáng buồn khi nhắc đến người thân. Kính chia sẻ, em mong được gặp mẹ một lần để em được một lần gọi 2 tiếng “mẹ ơi!”, để một lần được mẹ ôm vào lòng, để em cảm nhận được hơi ấm, sự vỗ về của mẹ.
Nhiều em bị cha mẹ bỏ rơi lúc 6-7 tuổi nên trong ký ức của các em về thời khắc bị bỏ rơi vẫn còn nguyên vẹn. Theo lời kể của em Nguyễn Hoài Linh (13 tuổi) đang sống tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Giáo xứ Hà Hội, phường Tân Biên (TP.Biên Hòa), gia đình em ở ngoài Bắc, mẹ bỏ đi, 2 cha con em đi từ Bắc vào Nam tìm mẹ nhiều ngày mà không có kết quả. Một hôm, cha dẫn em đến một khu nhà trọ và bảo em ở đó chờ cha đi mua đồ. Em ngoan ngoãn nghe theo, nhưng chờ mãi mà không thấy cha mình quay lại, những người ở khu nhà trọ báo công an rồi em được đưa vào trung tâm từ ngày đó tới giờ. “Mặc dù được các cô ở trung tâm quan tâm, chăm sóc, được đi học nhưng em vẫn hy vọng một ngày nào đó cha mẹ em sẽ đến tìm em, đón em về với gia đình” - Linh bộc bạch.
* Nâng đỡ tâm hồn trẻ thơ
Tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) ngoài 40 trẻ khuyết tật ngoài cộng đồng gửi vào, trung tâm hiện đang chăm sóc 51 em mồ côi, khuyết tật (chủ yếu là các bệnh bại não, bại liệt, não úng thủy…). Trong đó, đa số các em phải thường xuyên uống thuốc tâm thần, số ít còn lại thường đau ốm phải đi bệnh viện. Ông Võ Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật tỉnh, cho biết với số lượng 91 trẻ mồ côi, khuyết tật nặng cần chăm sóc mỗi ngày, khó khăn với trung tâm kể không hết. Tuy nhiên, bằng lòng yêu trẻ, trách nhiệm với công việc, cán bộ viên chức của trung tâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 11 năm gắn bó với trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật tỉnh, bà Trần Hồng Hạnh chia sẻ, công việc vất vả nhưng nghĩ đến các cháu nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, bị người thân bỏ rơi thì không thể kìm lòng, bản thân tự động viên mình cố gắng để các em vơi bớt tủi hờn.
Theo Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ chăm sóc trẻ em (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 749 ngàn trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có khoảng 11 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương (mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS…). Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh quan tâm. Tính đến thời điểm này, 100% trẻ mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp thường xuyên, trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng vượt 20% so với kế hoạch đề ra. |
Cuộc sống của người xuất gia tu hành vốn khó khăn, việc cưu mang thêm những sinh linh bé nhỏ các khiến cuộc sống của các ni sư chùa Diệu Pháp càng khó khăn hơn. Sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa Diệp Pháp, Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng đối tượng Diệu Pháp, cho biết để đảm bảo bữa cơm cho trẻ có đầy đủ chất dinh dưỡng như những đứa trẻ ngoài cộng đồng, các ni sư trong chùa tăng cường lao động, vất vả hơn gấp nhiều lần. Ngoài việc làm rẫy trồng cao su, lúa, mì, rau củ… cung cấp cho nhu cầu hàng ngày, các ni sư còn nhận may tu phục bán kiếm thêm tiền mua thịt, cá cho các con ăn.
Viên chức Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật tỉnh chơi đùa với trẻ mồ côi, khuyết tật. Ảnh: N.SƠN |
Bên cạnh việc chăm sóc về mặt thể chất, tinh thần với tâm niệm “Nhân bất học bất tri lý” (tức là người không học không hiểu lý lẽ), các sư cô trong chùa Diệu Pháp còn tạo mọi điều kiện khuyến khích các con đi học và theo đuổi ước mơ. Tính từ khi thành lập (năm 1983) đến nay, từ Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội Diệu Pháp đã có 6 người là tiến sĩ, 14 người là thạc sĩ và trên 100 người là cử nhân.
Quan tâm chăm sóc các em từng miếng ăn, giấc ngủ, vào các dịp lễ tết thiếu nhi, các em được quan tâm hơn. Sư cô Huệ Đức cho hay, để trẻ có được niềm vui trong ngày tết thiếu nhi 1-6 năm nay cũng như giúp các em “xả hơi” sau một năm học căng thẳng, tới đây Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng xã hội Diệu Pháp sẽ tổ chức cho các em đi cắm trại một ngày ở Vũng Tàu.
Nga Sơn