Báo Đồng Nai điện tử
En

Sốt xuất huyết chưa qua, Zika đã tới!

07:04, 07/04/2016

Ngày 5-4, Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh là 2 tỉnh, thành gần với Đồng Nai, do đó nguy cơ virus Zika xâm nhập và lan truyền tại Đồng Nai là rất lớn.

Ngày 5-4, Bộ Y tế đã chính thức công bố 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh (loại virus được xem là nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ bất thường ở trẻ do não phát triển lệch lạc hoặc ngừng phát triển). Đây là 2 tỉnh, thành gần với Đồng Nai, do đó nguy cơ virus Zika xâm nhập và lan truyền tại Đồng Nai là rất lớn.

Lãnh đạo các địa phương cam kết với lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế trong triển khai chiến dịch “Nhà nhà diệt lăng quăng phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”. Ảnh: Đ.Ngọc
Lãnh đạo các địa phương cam kết với lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế trong triển khai chiến dịch “Nhà nhà diệt lăng quăng phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết”. Ảnh: Đ.Ngọc



Bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết đều là bệnh truyền nhiễm được lây truyền từ cùng một “thủ phạm” là muỗi vằn (Aedes) gây nên. Trong khi Đồng Nai hiện nay vẫn là một trong những tỉnh lưu hành sốt xuất huyết với số ca mắc cao của cả nước. Dù đang là  mùa nắng nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1,3 ngàn ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng 1 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2015.

* Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Chị Kim Thị Du, 27 tuổi, ngụ tại xã La Ngà, huyện Định Quán bị sốt cao nên tự mua thuốc uống. Đến sốt ngày thứ 4, chị mới nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán để điều trị nhưng tình trạng ngày càng nặng với các triệu chứng: sốt cao, mạch nhanh, tiêu lỏng nhiều lần, đau vùng gan, tràn dịch màng phổi, màng bụng nên đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, sau đó lại được chuyển lên Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh điều trị. Tuy nhiên, do bị sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy đa cơ quan nên đến ngày 12-3, chị đã được người thân đưa về nhà và tử vong sau đó.

Tại lễ phát động chiến dịch “Nhà nhà diệt lăng quăng phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” do Sở Y tế tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã đề nghị ngành y tế tăng cường kiểm tra dịch bệnh tại các địa phương, nhất là vùng đông dân cư, khu vực nhà trọ, các trường mẫu giáo, nhà trẻ để hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình không hợp tác và có hành vi cản trở trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương; xem xét, giải quyết kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh.

 Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Cao Trọng Ngưỡng cho biết, qua giám sát tại khu vực nhà chị Du sinh sống, cho thấy khu dân cư ở đây rất khó khăn, nhiều nhà có lu, thùng chứa nước ẩm thấp, mật độ muỗi cao. Trong thời gian tới, xu hướng bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng. Nguyên nhân do điều kiện đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh, nhiều người sinh sống trong các khu nhà trọ ẩm thấp tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Mặt khác biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao cũng tạo điều kiện cho trứng muỗi nở nhanh hơn; tại tỉnh lưu hành cùng một lúc 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết nên nguy cơ bị sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị lại rất cao...

* Cách phân biệt và phòng chống bệnh  

 Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng cho hay, bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika gần giống nhau, như: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu... Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày sốt thứ 2 có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, nặng hơn là chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ khoa nhiễm đang khám bệnh cho một bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Bác sĩ khoa nhiễm đang khám bệnh cho một bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Ngưỡng, so với sốt xuất huyết thì bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Nhiều trường hợp không có triệu chứng, tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh do virus Zika nguy hiểm ở biến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nhất là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus Zika và hội chứng viêm đa rễ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sau này. Hiện bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika tốt nhất là diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt và diệt muỗi.

Theo Bộ Y tế, virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục.

Mới đây, Sở Y tế đã phát động chiến dịch nhà nhà diệt lăng quăng phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Theo đó, ngành y tế kêu gọi mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành nửa giờ đồng hồ để lật úp các dụng cụ chứa nước; thu dọn vật phế thải xung quanh nhà, như: vỏ chai, lon nước ngọt, vỏ xe; thay nước bình bông, bỏ muối và dầu và bát nước, chân chạn, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá bảy màu vào những dụng cụ chứa nước không súc rửa thường xuyên...

Để tránh muỗi đốt và diệt muỗi, cần ngủ mùng ngay cả ban ngày, rèm che cửa sổ, mặc quần, áo dài tay; đốt hương muỗi, bình xịt muỗi, sử dụng vợt diệt muỗi; sử dụng kem bôi, thoa để chống muỗi đốt...


Đặng Ngọc
 

 



 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích