Câu chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân ở khoa y học cổ truyền, vật lý trị liệu Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ không chỉ là bệnh gì, dùng thuốc gì, điều trị ra sao, mà còn là những câu chuyện về sự khó khăn khi thiếu nước sản xuất trong mùa nắng, là sự khổ sở trong cứu chữa điều bị sương muối...
Câu chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân ở khoa y học cổ truyền, vật lý trị liệu Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ không chỉ là bệnh gì, dùng thuốc gì, điều trị ra sao, mà còn là những câu chuyện về sự khó khăn khi thiếu nước sản xuất trong mùa nắng, là sự khổ sở trong cứu chữa điều bị sương muối...
Bác sĩ Nguyễn Thị Sâm, Trưởng khoa y dược cổ truyền, vật lý trị liệu đang hướng dẫn cho một bệnh nhân tập vật lý trị liệu. Ảnh: N.THƯ |
Ông Đường Hồng Sáng ở ấp 7, xã Xuân Tây cho biết các bác sĩ của khoa rất quan tâm đến bệnh nhân, nhất là bác sĩ Nguyễn Thị Sâm, Trưởng khoa y dược cổ truyền, vật lý trị liệu. Cả tháng nay, ông lo khoan giếng tìm nguồn nước cho cây trồng nên có bệnh thoái hóa đốt sống cổ mà không đi tái khám được, vậy mà bác sĩ Sâm vẫn nhớ, còn hỏi thăm tình hình sản xuất, dặn dò uống thuốc cặn kẽ.
“Không chỉ tôi mà nhiều bà con ở đây cũng thích khám Đông y vì chúng tôi lớn tuổi, toàn bệnh mãn tính, uống thuốc Tây riết sợ có hại nên theo điều trị đông y. Tuy không giảm đau nhanh nhưng cũng bớt và được bác sĩ Sâm giải thích cặn kẽ, chu đáo nên cũng an tâm hơn” - ông Sáng bộc bạch.
Không chỉ người dân ở Cẩm Mỹ mà rất nhiều người dân từ các huyện lân cận của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Thuận cũng tìm đến chữa trị tại khoa y học cổ truyền, vật lý trị liệu của Bệnh viện đa khoa Cẩm Mỹ. Ông Trần Quang Tú nhà ở huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) nghe người quen giới thiệu cũng lặn lội đi 100 cây số đưa cha của ông bị tai biến yếu liệt tay chân đến Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ để điều trị. Ông Tú nói: “Ở đây tuy là bệnh viện huyện nhưng có nhiều kỹ thuật mới trong tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Nhiều người bên huyện tôi chữa khỏi nên giới thiệu tôi đến. Qua 2 tuần được các bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn tập luyện, ba của tôi đã có thể bước đi nhẹ, tay chân đã cử động lại”.
Bác sĩ Lưu Văn Tường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ cho hay, khoa y dược cổ truyền, vật lý trị liệu luôn là một trong những khoa đông bệnh của bệnh viện, với khoảng 120-150 bệnh nhân/ngày. Huyện Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông, mô hình bệnh tật có rất nhiều bệnh về xương khớp, thoái hóa cột sống do lao động nặng, không đúng tư thế. Chính vì vậy, lãnh đạo bệnh viện đã quan tâm phát triển nhiều kỹ thuật mới không dùng thuốc trong điều trị có hiệu quả cao, như: cấy chỉ, thủy châm, laser nội mạch, điện từ trường, siêu âm trị liệu, đắp sáp giảm đau, tác động cột sống... Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ, nhân viên trong khoa đã tạo được thương hiệu, sự tin yêu của bệnh nhân với cách chăm sóc, chữa trị tận tình nên được nhiều người tìm đến.
Ngọc Thư