Không chỉ dạy học sinh là người Đồng Nai, các lớp học tình thương trên địa bàn TP.Biên Hòa còn là nơi gieo mầm tri thức tràn ngập tình yêu thương với học sinh các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí cả học sinh người Campuchia theo cha mẹ tới Đồng Nai lập nghiệp.
Không chỉ dạy học sinh là người Đồng Nai, các lớp học tình thương trên địa bàn TP.Biên Hòa còn là nơi gieo mầm tri thức tràn ngập tình yêu thương với học sinh các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí cả học sinh người Campuchia theo cha mẹ tới Đồng Nai lập nghiệp.
Cô giáo đang kèm cặp cho anh em Vàng, Hiếu tập viết chữ tại lớp học tình thương phường Hố Nai, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG |
Những lớp học tình thương ấy đã, đang góp phần thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đông đảo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống nơi đây.
* Những học trò đặc biệt
Vàng và Hiếu là 2 anh em ruột, là 2 trường hợp đặc biệt nhất của lớp học tình thương đóng trên địa bàn phường Hố Nai, do Dòng Mến Thánh giá Xuân Lộc lập nên và dưới sự quản lý của Trung tâm học tập cộng đồng phường.
Vàng kể, cha em là người Việt, sang Campuchia lấy mẹ em và sinh ra 2 anh em. Trước kia khi còn ở Campuchia, em đã được đi học lớp 1. Cách đây vài tháng, người cha mê cờ bạc thường xuyên đánh đập vợ con. Mẹ sợ quá mới dắt díu 3 mẹ con sang Việt Nam, thuê trọ ở gần giáo xứ Bắc Hải, đi làm công nhân kiếm tiền nuôi 2 con. Nghe mọi người chỉ ở phường có lớp học tình thương nên mẹ xin cho cả 2 anh em 10 tuổi và 7 tuổi cùng vào học lớp 1.
Cô Bùi Thị Xuân Hương, giáo viên chủ nhiệm kể: “Những ngày đầu, các em không biết tiếng Việt nên việc dạy dỗ gặp rất nhiều khó khăn. Dần dần, các em nói được vài từ. Đến nay, Vàng đã nói được tiếng Việt nhiều, còn Hiếu thì bập bõm câu được câu mất. Lúc đầu, các em quen viết nét chữ Campuchia nên chữ viết nguệch ngoạc lắm. Sau hơn 1 tháng học ở đây, cả 2 em đều tiến bộ rất nhanh, viết chữ đẹp”.
Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, thành phố hiện có gần 70 lớp học tình thương/15 xã, phường, do các trung tâm học tập cộng đồng quản lý với hơn 650 học sinh. Hàng năm, các lớp này huy động được hơn 200 học sinh lớp 1, góp phần tích cực vào công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học trên địa bàn. |
Vừa nhìn cô giáo nắn nót chữ cho em trai, Vàng vừa trổ tài nói 2 thứ tiếng để giới thiệu về mình rồi thỏ thẻ: “Học tiếng Việt khó quá nhưng con sẽ cố gắng. Anh em con thích học ở đây lắm, cô giáo rất hiền, cho chúng con quần áo, sách vở. Các bạn thì dạy chúng con nói tiếng Việt mỗi giờ ra chơi”. Chỉ lên tờ giấy vẽ ước mơ của mình, 2 cậu bé sớm phải chịu thiệt thòi tâm sự: “Chúng con ước một lần được đi máy bay, được bay lên bầu trời cao”.
Theo cha mẹ từ Cà Mau lên Biên Hòa, 2 chị em Nguyễn Thị Bé Hai (13 tuổi, học lớp 4) và Đoàn Công Khang (lớp 2) vừa học vừa phụ giúp cha mẹ buôn bán. Hàng ngày sau giờ học buổi sáng, 2 chị em về nhà phụ mẹ làm bánh cam rồi theo cha bưng bánh đi bán dạo. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ chị em Bé Hai có ý định bỏ học. “Chúng con học ở đây không mất tiền, lại được các cô yêu thương nên thích lắm. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho mọi người” - Bé Hai bộc bạch.
* “Khó mấy cũng không bỏ học trò”
Lớp học phổ cập tiểu học ở KP.4, phường Tân Hòa được đặt ngay tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường. Do lớp quá đông (hơn 110 em) mà phòng học nhỏ nên các cô giáo ở đây phải chia thời gian để em nào cũng được học. Cô Vũ Thị Hải, người có thâm niên giảng dạy ở đây, cho biết các em khối 1, 2, 3 được ưu tiên học buổi sáng, chiều. Còn các anh chị khối 4, 5 được xếp học vào giờ trưa (từ 10 giờ 30 đến 13 giờ). Mặc dù học vào giờ “tréo ngoe” nhưng vì con chữ, vì tương lai, cả cô và trò đều ra sức nỗ lực. Để giữ chân học trò, cứ đến dịp lễ tết, các cô giáo lại tổ chức văn nghệ, tặng quà cho các em, dạy các em những điều hay lẽ phải”.
Học trò ở lớp học tình thương phường Tân Hòa trong giờ học. |
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, phụ trách lớp học tình thương ở phường Hố Nai, thì chia sẻ có những khi đầu năm học có hơn 100 học trò, nhưng sau tết thì các em bỏ học mất gần một nửa, theo cha mẹ đi nơi khác hoặc phải đi làm kiếm tiền cùng cha mẹ. Hiện, có những lớp chỉ có 2 em, 5 em, nhưng các giáo viên vẫn cố gắng ghép lớp, dạy đúng chương trình chuẩn cho các em. Em nào học hết lớp 5, đạt yêu cầu sẽ được Trung tâm học tập cộng đồng phường cấp giấy chứng nhận. Em nào có điều kiện thì tiếp tục học phổ cập THCS ở Trường THCS Lý Tự Trọng.
Hơn 10 năm giảng dạy tại các lớp học tình thương, cô Nguyễn Thị Lệ Thu ngày ngày vẫn chạy đi, chạy lại giữa 2 lớp tình thương ở phường Tân Biên và phường Tân Hòa. “Có đến những lớp học này mới thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của học sinh. Các em đa số là con em trong khu nhà trọ, ở miền Tây, miền Trung theo cha mẹ tới Đồng Nai làm thuê kiếm sống. Vì điều kiện kinh tế khó khăn cộng với không có hộ khẩu nên các em không được đi học ở các trường tiểu học mà xin vào học ở các lớp tình thương” - cô Lệ Thu chia sẻ.
29 tuổi, chưa lập gia đình nên toàn bộ thời gian của mình, cô Lệ Thu đều dành cho học trò ở các lớp học tình thương do mình phụ trách. Cô Lệ Thu tâm sự: “Được nhìn thấy học trò lớn lên từng ngày, biết viết, biết đọc chữ, biết hát, biết chào hỏi lễ phép… là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi. Chúng tôi mong sao các em có điều kiện học hành tốt hơn để trở thành những người có ích cho xã hội”.
Hạnh Dung