Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngộ độc từ bữa ăn giá rẻ

08:01, 04/01/2016

Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 ca ngộ độc thực phẩm tập thể, tăng 3 vụ so với năm 2014.
Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào chiều 17-11-2015 tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất Chánh ích ở TP.Biên Hòa (Công ty Chánh ích) khiến 94 công nhân phải nhập viện trong tình trạng khó thở, nôn ói, một số trường hợp nặng bị co giật và ngất xỉu.

Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 ca ngộ độc thực phẩm tập thể, tăng 3 vụ so với năm 2014.
Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra vào chiều 17-11-2015 tại Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất Chánh ích ở TP.Biên Hòa (Công ty Chánh ích) khiến 94 công nhân phải nhập viện trong tình trạng khó thở, nôn ói, một số trường hợp nặng bị co giật và ngất xỉu.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu cho công nhân Công ty Chánh Ích bị ngộ độc thực phẩm ngày 17-11-2015. Ảnh: Ngọc Thư
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu cho công nhân Công ty Chánh Ích bị ngộ độc thực phẩm ngày 17-11-2015. Ảnh: Ngọc Thư



* Cơm thiu vẫn ăn!


Chị Võ Thúy Hồng, công nhân Công ty Chánh ích, cho biết bình thường suất cơm ở công ty cho ăn rất đơn giản, như hôm xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, mỗi suất ăn chỉ có cơm, trứng hấp và canh rau má. Khi ăn cơm thấy cơm sống, có mùi thiu nhưng chị và nhiều công nhân vẫn cố gắng ăn hết phần cơm để có sức tăng ca. Chỉ khoảng một giờ sau khi ăn hàng loạt công nhân cảm thấy mệt, chóng mặt, nôn ói...

Kiện doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm

Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với người lao động, như: chi trả tiền thuốc men, ngày công lao động cho những ngày nằm viện... Nếu doanh nghiệp đền bù không thỏa đáng, Công đoàn sẽ đại diện người lao động đứng ra khởi kiện doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.


Theo kết quả thanh tra của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (Sở Y tế), bếp ăn tập thể của Công ty Chánh ích do Công ty TNHH nhà hàng 369 (tỉnh Bình Dương) phụ trách, nhưng vào thời điểm kiểm tra chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do giấy đã hết hạn trên 6 tháng (công ty đã xin cấp lại 2 lần nhưng chưa được cấp do điều kiện phòng ốc, hạ tầng chưa đảm bảo). Ngoài ra, bếp ăn tập thể tại công ty này không đảm bảo vệ sinh: rãnh thoát nước thải tại khu chế biến ứ đọng nhiều chất thải, các hố ga phía ngoài chất thải ứ đọng không thoát được, các dụng cụ sơ chế biến thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ...


Theo kết quả xét nghiệm hàm lượng vi sinh trong các mẫu thức ăn lấy tại Công ty Chánh ích, cho thấy hầu hết các món ăn đều bị nhiễm khuẩn, trong đó tập trung nhiều nhất là món cơm và canh rau má có chứa nhiều vi khuẩn Staphylococcus aureus, là độc tố chính gây ngộ độc thực phẩm cho 94 công nhân làm việc tại công ty vào chiều 17-11-2015.

* Vẫn còn suất ăn dưới 15 ngàn đồng


 Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai Nguyễn Văn Hữu cho biết số ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn Đồng Nai trong năm 2015 có tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu mà Bộ Y tế giao cho tỉnh. Trong năm 2015, qua thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể trong tỉnh, cho thấy nhiều bếp ăn tập thể đã chấp hành các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo; giá suất ăn vẫn còn thấp, chỉ từ 10-12 ngàn đồng, như giá suất ăn ở Công ty Chánh ích chỉ có 10 ngàn đồng.

Tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể
 Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, trong năm 2015 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 318 bếp ăn tập thể, cơ sở nước uống đóng chai. Trong đó, có 24/150 cơ sở được thanh tra có vi phạm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhãn hàng hóa, điều kiện về con người, trang thiết bị dụng cụ chế biến không đảm bảo. Trong năm 2016, chi cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở thực phẩm, bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, trường học, căn tin, dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Song song đó, chi cục tiếp tục tăng cường tập huấn cho các khu công nghiệp về hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm các trường hợp vi phạm.


Ông Nguyễn Văn Hữu cho biết, giá một suất ăn quá thấp như trên cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Bởi lẽ với giá này, đơn vị cung ứng sẽ sử dụng những thực phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Thực tế hiện nay rất khó quản lý nguồn cung cấp thực phẩm, dù có hợp đồng cung cấp thực phẩm nhưng rất khó xác định nguồn ở đâu. Khi kiểm tra chỉ làm test nhanh để đánh giá nhưng kết quả này chỉ dùng để tầm soát chứ không phải là cơ sở để khẳng định. Muốn khẳng định thì phải lấy mẫu để định lượng và phải mất 7-10 ngày mới có kết quả. Trong khi đó, nhân sự làm công tác thanh tra còn thiếu nên số lượng bếp ăn tập thể được kiểm tra trong năm 2015 tuy có tăng nhưng vẫn chưa nhiều.


 Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết theo quy định, mức tối thiểu một suất ăn ở bếp ăn tập thể là 15 ngàn đồng. Hiện nay tại Đồng Nai, giá suất ăn ở bếp ăn tập thể trung bình từ 15 - 17 ngàn đồng, tuy đạt mức tối thiểu nhưng so với mặt bằng giá cả chung, chất lượng bữa ăn ở mức giá này còn chưa cao, không đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Do đó, trong thời gian tới Công đoàn sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, nhất là kiểm tra thực phẩm đầu vào, chất lượng thực phẩm, nơi chế biến để ngăn chặn xảy ra bếp ăn ngộ độc tập thể; vận động doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân.

 


Ngọc Thư


 



 

Tin xem nhiều