Với việc triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của ngành y tế Đồng Nai trong công tác nâng cao tay nghề và chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Qua đó góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trong "thời gian vàng" mà không phải chuyển tuyến.
Với việc triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của ngành y tế Đồng Nai trong công tác nâng cao tay nghề và chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Qua đó góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trong “thời gian vàng” mà không phải chuyển tuyến.
Các bác sĩ Trung tâm can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện một ca bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Ngọc Thư |
Sau hơn 2 tháng được cứu sống, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Bé, 70 tuổi, ngụ tại KP.2, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) đã hoàn toàn bình phục, không còn phụ thuộc vào máy tạo nhịp tim. Trong khi trước đó vào cuối tháng 10-2015, bà Bé tưởng như không qua khỏi khi trải qua cơn nhồi máu cơ tim cấp, có biến chứng 2 lần ngưng tim, rung thất, nhưng đều được cấp cứu thành công nhờ phương pháp tim mạch can thiệp.
* Cấp cứu trong thời gian vàng
Bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết trường hợp bà Bé bị nhồi máu cơ tim rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên “còn nước còn tát”, ê kíp bác sĩ trực đã cố gắng hồi sức cấp cứu cho bà Bé, sau đó, thực hiện can thiệp động mạch vành bằng đặt stent. Cụ thể, các bác sĩ đã đặt ống thông từ động mạch đùi phải lên động mạch vành phải, hút huyết khối gây tắc nghẽn và đặt stent vào chỗ hẹp để thông động mạch vành phải, sau đó đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để hồi phục nhịp tim của bệnh nhân.
Một trường hợp nhồi máu cơ tim khác được cứu sống nhờ kỹ thuật can thiệp tim mạch là ông Nguyễn Văn Dương, ấp Đông Bắc, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Ông Dương chia sẻ: “Trường hợp của tôi bị nhồi máu cơ tim nặng nếu chuyển lên tuyến trên thì khó qua khỏi, còn nếu qua khỏi cũng để lại biến chứng nặng nề. Rất may, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai được kỹ thuật này, giúp cho tôi mau chóng hồi phục sức khỏe và trở lại sinh hoạt bình thường”.
Sau gần một năm đi vào hoạt động, Trung tâm tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện 244 ca chụp động mạch vành và can thiệp tim mạch, trong đó có gần 200 ca nhồi máu cơ tim được cứu sống. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết thời gian trước, mỗi tháng bệnh viện phải chuyển từ 40-50 ca lên tuyến trên để can thiệp tim mạch. Tuy nhiên, từ khi Trung tâm tim mạch can thiệp của bệnh viện đi vào hoạt động đã giúp cho nhiều bệnh nhân tận dụng được “thời gian vàng”, giảm tỷ lệ tử vong.
Trong khi đó, Khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đi vào hoạt động trong vòng 5 tháng, đến nay cũng đã thực hiện được gần 300 ca can thiệp tim mạch, trong đó có nhiều ca tai biến mạch máu não được cứu sống.
* Triển khai nhiều kỹ thuật khó
Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đều đã cơ bản thực hiện được các kỹ thuật tim mạch can thiệp như cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim, cùng các bệnh lý tim mạch khác, như: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định, hoặc các bệnh lý tim mạch bẩm sinh, như: hẹp van 2 lá, thông liên nhĩ... Song song đó, các bệnh viện cũng đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó của can thiệp tim mạch, như: kỹ thuật bít dù; nhồi máu cơ tim có tổn thương tắc động mạch vành mạn tính; đau thắt ngực ổn định và ca đau thắt ngực không ổn định dù đã đặt stent mạch vành nhưng vẫn còn hẹp nên phải tiếp tục thông mạch...
Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết can thiệp tim mạch là một kỹ thuật cao bằng cách dùng một loại ống thông nhỏ (catheter) để đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt stent (giá đỡ) để làm tái thông dòng máu cho các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và một số bệnh tim bẩm sinh. Ưu điểm của các kỹ thuật này là với các thiết bị và vật tư kỹ thuật ngày càng tinh xảo, hiện đại, nhỏ gọn, có thể can thiệp một số bệnh lý tim mạch từ phía ngoài (qua da) mà không phải trải qua phẫu thuật nặng nề, để lại sẹo lớn cho bệnh nhân, giúp các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mau hồi phục và trở về đời sống bình thường. |
Đơn cử, các bác sĩ khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vừa thực hiện thành công ca thông liên nhĩ lỗ lớn tới 28mm cho bệnh nhân Dương Thị Mộng Linh, 32 tuổi, ngụ tại xã An Hòa (TP.Biên Hòa). Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, giải thích thông thường với lỗ thông có kích thước hơn 20mm, bệnh nhân sẽ phải mổ để khâu lại lỗ thông. Nếu làm như vậy, bệnh nhân sẽ phải trải qua một ca đại phẫu, mất máu nhiều và thời gian điều trị hậu phẫu sẽ lâu. Với kỹ thuật bít lỗ thông nhĩ bằng một dụng cụ đặc biệt (giống chiếc ô nhỏ) qua ống thông đã bít được lỗ thông liên nhĩ cho bệnh nhân mà không cần phải mổ hở, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng đã được TS.BS Wataru Nagamatsu, Trưởng khoa tim mạch can thiệp của Bệnh viện đa khoa Hokusetsu (Nhật Bản) chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da đối với các sang thương phức tạp, sang thương tắc mạn tính. Qua đó, các bác sĩ khoa tim mạch can thiệp có thể trực tiếp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ cách suy luận nên làm thế nào, chọn dụng cụ nào nhanh nhất, tốt nhất để rút ngắn thời gian thủ thuật, ít gây biến chứng thủng mạch vành, giúp xác suất thành công cao lên.
Ngọc Thư