Đồng Nai là tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh thấp so với cả nước nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng. Do đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính là vấn đề cần tiếp tục quan tâm.
Đồng Nai là tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh thấp so với cả nước nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng. Do đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì ổn định tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính là vấn đề cần tiếp tục quan tâm.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới được coi là giải pháp quan trọng và lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
* Tiềm ẩn mất cân bằng giới tính
Tại Đồng Nai, trong những năm qua vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã từng bước được khống chế. Năm 2007, tỷ số giới tính ở mức 119 bé trai/100 bé gái nhưng đến năm 2015 tỷ số này giảm xuống còn 108 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh hiện đang ở mức thấp so với cả nước, song không ổn định và tiềm ẩn yếu tố mất cân bằng.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) trong ngày khai giảng năm học mới 2015-2016. (ảnh minh họa) |
Bên cạnh các đơn vị duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức trung bình thì vẫn còn một số địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Trong đó, từ năm 2010-2014, huyện Xuân Lộc và Thống Nhất là 2 đơn vị có tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức mất cân bằng cao. Năm 2015, tỷ số giới tính của huyện Thống Nhất là 117 bé trai/100 bé gái và huyện Xuân Lộc là 114 bé trai/100 bé gái.
Giải thích cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều nguyên nhân đã được đưa ra. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là do bất bình đẳng giới thể hiện ở tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tâm lý muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, nương tựa lúc về già, làm những việc lớn, nặng nhọc…
Anh Nguyễn Văn Gõ ở ấp 7, xã Đắk Lua (huyện Tân Phú), chia sẻ vợ chồng anh không sinh con thứ 3 nhưng nếu anh là con lớn nhất trong gia đình chịu trách nhiệm thờ cúng tổ tiên thì anh không dám chắc mình sẽ dừng lại ở 2 con. Bởi, tâm lý của nam giới thường muốn sinh con trai để không bị gia đình, dòng họ và bạn bè cho là “kém cỏi”, chỉ xứng đáng được “ngồi mâm dưới”.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ xác định giới tính thai nhi cũng là lý do quan trọng trong việc lựa chọn giới tính thai nhi. Ngoài ra, việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế; công tác thanh kiểm tra về xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi chưa thường xuyên.
* Thúc đẩy bình đẳng giới
Theo dự báo của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tiếp tục gia tăng. Với tốc độ này, đến năm 2045-2050 Việt Nam sẽ có khoảng 2,3-4,3 triệu nam giới trưởng thành không có cơ hội lấy vợ (nếu duy trì chế độ hôn nhân một vợ một chồng như hiện nay). Điều này không cải thiện được vị thế của phụ nữ mà còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới, thể hiện ở việc phụ nữ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ sẽ tăng cao…
Hệ lụy mà mất cân bằng giới mang lại là không thể phủ nhận. Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, thời gian tới ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức làm chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân, nhất là nam giới bằng nhiều hình thức.
Tại hội thảo “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh” do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2000 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh trung bình là là 106,2 bé trai/100 bé gái thì năm đến năm 2014 tỷ số này đã tăng lên 112,2 bé trai/100 bé gái. Đáng báo động hơn, cả nước hiện có 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh trên mức 108 bé trai/100 bé gái. |
Với trách nhiệm là đơn vị phối hợp, bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho biết Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ Hội cơ sở trong công tác tuyên truyền với phương châm “đến tận ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, một giải pháp khác góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cần kể chính là công tác chăm sóc người cao tuổi. Nếu người cao tuổi được cộng đồng chung tay chăm sóc tốt sẽ giúp cho các cặp vợ chồng cảm thấy yên tâm vào tuổi xế chiều, việc phải sinh được con trai không còn cần thiết nữa.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tập trung công tác chăm sóc người cao tuổi, việc nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật về nghiêm cấn lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cần được quan tâm đúng mức.
Nga Sơn