Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ "hồn" dân tộc (Bài 1)

12:12, 07/12/2015

Mắt ngước nhìn lên cờ Tổ quốc, tay đặt lên trái tim mình, miệng hát vang bài Quốc ca. Hình ảnh ấy đã rất đỗi thân quen với người dân đất Việt. Trong lao tù hay khi đất nước hòa bình, được hát Quốc ca, chào cờ... là một niềm tự hào, tạo sức lan tỏa, nhân lên tình yêu Tổ quốc.

Mắt ngước nhìn lên cờ Tổ quốc, tay đặt lên trái tim mình, miệng hát vang bài Quốc ca. Hình ảnh ấy đã rất đỗi thân quen với người dân đất Việt. Trong lao tù hay khi đất nước hòa bình, được hát Quốc ca, chào cờ... là một niềm tự hào, tạo sức lan tỏa, nhân lên tình yêu Tổ quốc. Càng đặc biệt hơn khi 10 năm nay, nghi lễ ấy đã đều đặn được thực hiện vào mỗi sáng thứ hai ở các cơ quan, đơn vị tại Đồng Nai.

Chào cờ là một nghi lễ thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Chào cờ cũng là dịp để nhắc nhở mỗi người về sự hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước, từ đó trân trọng giá trị của độc lập, tự do.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong sự kiện trọng đại Chủ tịch Hồ Chí Minh  đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong sự kiện trọng đại Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945.

Gần 70 trôi qua, ký ức về lễ mít  tinh kỷ niệm một năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời diễn ra trên quê hương Quảng Ngãi vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của ông Trịnh Ngọc Khải (cán bộ cách mạng lão thành) hiện ở phường Bình Đa (TP.Biên Hòa).

* Chào cờ - tuyên chiến với địch

Sinh năm 1931, ông Trịnh Ngọc Khải từng trải qua những năm tháng gian khổ dưới chế độ phong kiến nửa thuộc địa. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi nên ông Khải có cơ hội được chứng kiến lễ chào cờ từ trước đêm diễn ra khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ông Khải cho biết trước Cách mạng tháng Tám, trong điều kiện khó khăn, dù chỉ có lá cờ đỏ sao vàng chỉ có kích thước bằng 2 tờ giấy A4, nhưng được các đồng chí đảng ủy viên gấp gọn cất vào trong túi và chỉ khi nào làm lễ kết nạp Đảng, lá cờ mới được treo lên để mọi người nhìn vào đó mà tuyên thệ. Và buổi lễ chào cờ trong lễ mít tinh mừng ngày đất nước độc lập tổ chức tại huyện Mộ Đức (tỉnh Quãng Ngãi) với hàng ngàn người tham dự đã để lại cho ông Khải những ấn tượng không thể nào quên. Ông kể: “Hôm đó ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất mà mình có để đi dự lễ mít tinh. Nghi lễ chào cờ diễn ra trong không khí trang nghiêm, mọi người cùng hát vang bài Tiến quân ca. Mặc dù tiếng hát cất lên chưa đều, nhưng ai ai cũng hát trong niềm say mê và vui sướng khôn tả. Vì từ đây, nhân dân ta đã được tự do...”.

Tiến quân ca là bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) sáng tác vào năm 1944 và được đăng lần đầu tiên trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập vào tháng 11-1944 bằng bản đá cho chính nhạc sĩ Văn Cao viết. Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã duyệt chọn Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 2-9-1945, bài hát này chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca.

Ngày 2-7-1976, hai miền Nam - Bắc thống nhất thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc ca vẫn là bài Tiến quân ca cho tới ngày nay.

Cách mạng tháng Tám thành công chưa lâu, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sự trở lại của thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ khiến cho dân tộc Việt Nam phải bước vào cuộc đấu tranh mới cam go và khốc liệt hơn. Tình thế thay đổi, nghi thức chào cờ ở giai đoạn này không còn tự do như trước. Điều này càng thể hiện rõ trong các nhà tù - nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng.

Do lý tưởng cách mạng đã ngấm vào máu nên bà Trần Thị Hòa (thường gọi là Ba Hòa), Trưởng ban liên lạc cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, tìm mọi cách để tham gia du kích xã từ năm 16 tuổi. Hoạt động được khoảng 2 năm, bà bị bắt. Gần 10 năm bị giam cầm tra tấn tại các nhà tù, như: khám đường Bà Rịa, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo nhưng bọn địch phải chào thua bởi ý chí kiên cường, sắt đá của bà.

Ở trong tù, vào các sự kiện quan trọng như Quốc khánh 2-9, bà Ba Hòa cùng với nhiều chị em khác trong tù tổ chức chào cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bà cho biết: “Chào cờ ở trong tù cảm xúc rạo rực đến không ngủ được. Mỗi lần chào cờ là mỗi lần tuyên chiến với địch”. Bà còn nhớ: “Lần nghe tin Bác Hồ mất, 342 chị em trong khám Chí Hòa đều mặc đồ đen, đeo vải trắng trên đầu và chào cờ liên tục trong một tuần. Sau lần ấy, địch đàn áp dã man và một số người, trong đó có tôi bị đày ra nhà tù Côn Đảo”.

* Tạo sự lan tỏa

16 tuổi, ông Phạm Văn Long ở phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa) tham gia cách mạng. Năm 17 tuổi, trong lần đi treo cờ, rải truyền đơn, ông bị địch bắt. Mặc dù chuyển ông đi khắp nơi, từ Trung tâm thẩm vấn miền Đông, trung tâm cải huấn cho đến khám Chí Hòa, nhà lao Tân Hiệp và chuồng Cọp (Côn Đảo) với nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng địch vẫn không moi được lời khai nào theo ý muốn. Ông Long chia sẻ, ban đầu chỉ là đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, nhưng mỗi lần đấu tranh là mỗi lần đánh đổi. Trong số anh em bạn tù, có người chết, có người bị thương và có cả những người ly khai. Có lần, ông và các bạn tù tổ chức chào cờ, ngay lập tức địch kéo lực lượng xuống đàn áp và lục soát cờ, nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ trước nên lá cờ được bảo vệ an toàn. Theo ông Phạm Văn Long: “Đã tổ chức chào cờ là phải bảo vệ được lá cờ, nếu để địch lấy được cờ coi như thất bại. Vì vậy, trước khi tổ chức chào cờ, tôi cũng như những người bạn tù khác luôn tâm niệm dù có phải hy sinh tính mạng cũng quyết tâm bảo vệ lá cờ”.

Ông Phạm Văn Long, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) trò chuyện với cháu nội về truyền thống cách mạng của gia đình.
Ông Phạm Văn Long, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) trò chuyện với cháu nội về truyền thống cách mạng của gia đình.

Sau ngày đất nước giải phóng, trong các buổi lễ chào cờ, mỗi lần đứng nghiêm trang trước Quốc kỳ hát vang bài Tiến quân ca, lòng ông lại bồi hồi nhớ lại những ký ức gian khổ đã qua, nhớ lại những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ màu cờ của Tổ quốc. Những lúc như vậy, ông thầm hứa với lòng phải sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội.

Nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên nhất là thế hệ trẻ, 10 năm nay tỉnh Đồng Nai đã duy trì tốt hoạt động chào cờ và hát Quốc ca vào sáng thứ hai hàng tuần tại các cơ quan, đơn vị. Việc làm này đã tạo được sức lan tỏa lớn trong nhân dân, đem lại ý nghĩa sâu sắc, tích cực.

Theo bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Hội trưởng Hội phụ nữ giải phóng khu Đông Nam bộ: “Chào cờ, hát Quốc ca thể hiện ý thức tự trọng, tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết gắn bó của mỗi quốc gia, dân tộc, niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc, nhân dân. Vì vậy, chào cờ, hát Quốc ca cần tiếp tục duy trì nghiêm túc. Muốn vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể… cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc chào cờ, hát Quốc ca. Khi chào cờ, hát Quốc ca mỗi người cần hát bằng cả trái tim với niềm tự hào, kiêu hãnh cùng với trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc”.

 

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích