Báo Đồng Nai điện tử
En

Để kết nối đi vào thực chất (Bài cuối)

09:11, 11/11/2015

Để có thể giải quyết các đơn hàng có hàm lượng chất xám ngày càng cao của nền kinh tế tri thức và công nghệ, các trường đại học - cao đẳng đã nỗ lực đổi mới phương thức đào tạo, năng động tìm đối tác, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ…

Để có thể giải quyết các đơn hàng có hàm lượng chất xám ngày càng cao của nền kinh tế tri thức và công nghệ, các trường đại học - cao đẳng đã nỗ lực đổi mới phương thức đào tạo, năng động tìm đối tác, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ…

Tuy vậy, lời giải cho bài toán này không đến từ nỗ lực đơn phương của cơ sở giáo dục. Chính doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đối với việc cải tiến dây chuyền sản xuất cũng như nguồn nhân lực tương lai của chính mình.

* Đôi bên cùng có lợi

Theo NGND, TS. Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên.

 Sinh viên ngành công nghệ giày Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi trong giờ thực hành.
Sinh viên ngành công nghệ giày Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi trong giờ thực hành.

Trong đó, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, góp ý xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành và tiếp nhận sinh viên của trường đến thực tập tốt nghiệp; tìm kiếm các vấn đề cần nghiên cứu từ thực tế quản lý và sản xuất của doanh nghiệp để giảng viên và sinh viên cùng nghiên cứu.

Theo TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa cơ điện - điện tử, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Trường đại học Lạc Hồng, điều tâm đắc nhất của lãnh đạo nhà trường và của chính ông là nhờ mô hình “đặt hàng” này mà chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã nâng lên đáng kể. Bởi, khi sinh viên nghiên cứu một công trình hoàn chỉnh, có tích hợp cảm biến, có động cơ, cơ khí nhuần nhuyễn… với hàng ngàn chi tiết thì không cớ gì khi ra trường, sinh viên không thể tham gia cải tiến kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất của nhà máy, xí nghiệp.

Với lợi thế trực thuộc Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi có mối quan hệ tốt với các công ty thành viên và các công ty nằm trong 12 khu công nghiệp do Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi quản lý. Mối quan hệ này giúp nâng cao chất lượng giảng dạy cho nhà trường, như: thuận lợi cho sinh viên thực tập, xin việc làm,  hợp tác các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu, góp ý chương trình đào tạo …

Ngược lại, việc cùng tham gia đào tạo với nhà trường giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của mình mà không mất công đào tạo bổ sung hay đào tạo lại; thời gian cho sinh viên đến thực tập tốt nghiệp tại đơn vị mình là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn được những ứng viên phù hợp nhất cho những vị trí mà doanh nghiệp cần tuyển chọn.

* Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp

TS.Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho rằng doanh nghiệp không thể đứng bên lề trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm cao với công tác đào tạo nghề.

Ở Đồng Nai đã có những doanh nghiệp đi tiên phong đào tạo nghề, trong đó có Công ty TNHH Bosch Việt Nam (vốn của Cộng hòa Liên bang Đức, đóng chân trên địa bàn huyện Long Thành), mỗi tháng chi hỗ trợ sinh hoạt phí 2 triệu đồng/sinh viên đang học. Học viên vừa được đào tạo nghề vừa được doanh nghiệp trả lương; 80% thời gian khóa học của học viên chỉ tập trung thực hành trên máy móc công nghệ tương thích mà Bosch đang dùng. Riêng trong chương trình hợp tác giữa Đồng Nai và Lilama 2, đào tạo nhân lực chất lượng cao với 4 ngành nghề: chế tạo thiết bị cơ khí; chế tạo thiết bị cơ khí ứng dụng công nghệ CNC; điện tử công nghiệp và hàn. Những sinh viên có hộ khẩu thường trú ở Đồng Nai từ 3 năm trở lên sẽ được miễn học phí trong toàn khóa học, được bố trí việc làm đúng chuyên môn khi ra trường.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường trao đổi với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức Sigmar Gabriel thăm Trung tâm đào tạo nghề TGA (đặt tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Khu công nghiệp Long Thành). Đây là nơi Tập đoàn Bosch đang đào tạo nâng cao về lý thuyết và thực hành cho 46 học viên đầu tiên theo mô hình đào tạo kép hợp tác với Trường cao đẳng nghề Lilama 2.

Tại hội thảo đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp do Trường đại học Lạc Hồng tổ chức với 100 đại diện doanh nghiệp tham gia, ông Phạm Văn Vui, Tổng vụ Công ty VMEP, nêu quan điểm: “Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng nhà trường và xí nghiệp vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Khoảng cách này sẽ được rút ngắn nếu các xí nghiệp tích cực chủ động mở rộng liên kết với nhà trường, tìm ra giải pháp cung cấp cho đơn vị mình nguồn nhân lực thích hợp, đáp ứng được nhu cầu lao động tại xí nghiệp. Muốn nhà trường đáp ứng được điều kiện của mình như thế nào, thì xí nghiệp cũng cần đề ra những yêu cầu cụ thể về nội dung cần đào tạo. Đối với những nhu cầu đặc thù, như: ngành cơ khí, điện tử, kỹ thuật cao thì việc liên kết đào tạo là rất cần thiết”.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đang diễn ra, khi thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu cũng nhấn mạnh: Nhà nước cần tạo những cơ chế chính sách để các tập đoàn, doanh nghiệp cùng đầu tư vào lĩnh vực này chứ chỉ mỗi ngân sách của nhà nước như hiện nay thì khoa học - công nghệ khó có thể phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhà nước cần có sự đầu tư một cách “mạo hiểm” và phải có sự đổi mới trong cơ chế quản lý đối với khoa học - công nghệ, để tạo cho giới khoa học cũng như lĩnh vực này có được sự tự chủ và môi trường thuận lợi hơn cho phát triển.

Đón đầu những đơn hàng thời hội nhập

TS. Lê Văn Hin cho rằng ban giám hiệu các trường cần phải đề ra tầm nhìn, xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, nhận rõ cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thấy được rủi ro để có chiến lược phát triển bền vững. Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 chia sẻ: “Ban giám hiệu nhà trường rất hồ hởi với khi chỉ vài tháng nữa Cộng đồng kinh tế Asean sẽ được chính thức thành lập. Với trình độ đào tạo nhiều ngành nghề kỹ thuật đã đạt chuẩn của quốc tế, nhà trường hoàn toàn tự tin sinh viên của trường có thể làm việc ở những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao ngay tại Việt Nam, thậm chí ở những quốc gia có trình độ phát triển cao trong và ngoài khu vực Asean”. Theo đó, nhà trường đã có chiến lược đào tạo nhân lực phục vụ cho những dự án quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Đồng Nai, như: tuyến metro của TP.Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đẩy mạnh các ngành công nghiệp cao, công nghiệp hỗ trợ - những ngành mà Đồng Nai chủ trương thu hút đầu tư mạnh thời gian hiện nay. Riêng chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà trường đã hợp tác với các đối tác ở châu Âu để chuẩn bị xây dựng và chuyển giao chương trình đào tạo và cơ sở vật chất để sớm triển khai.

 

Lâm Viên

 

 

 

 

Tin xem nhiều