Vừa qua, khi trả lời trước Quốc hội về vấn đề môn Lịch sử có còn là môn học độc lập, bắt buộc hay sẽ tích hợp với những môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ không hề xem nhẹ môn Lịch sử và vẫn "đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng".
Vừa qua, khi trả lời trước Quốc hội về vấn đề môn Lịch sử có còn là môn học độc lập, bắt buộc hay sẽ tích hợp với những môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ không hề xem nhẹ môn Lịch sử và vẫn “đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng”.
Một tiết học Lịch sử ở Trường THCS Chu Văn An, xã Suối Tre, TX.Long Khánh. |
Theo ghi nhận tại Đồng Nai, hầu hết các ý kiến của các chuyên gia, cán bộ, giáo viên đều không đồng tình việc tích hợp môn Lịch sử với những môn học khác. Bởi lẽ, làm như vậy sẽ khiến cho học sinh vốn đã “quay lưng” với môn Lịch sử càng có lý do để không lựa chọn môn học này.
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia, giáo viên trong tỉnh về vấn đề này.
Ông Trần Quang Toại, Tổng thư ký Hội Sử học Đồng Nai: Không đồng tình
Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nếu tích hợp không khéo, theo quan điểm của tôi, Bộ GD-ĐT đã phần nào lãng quên hoặc bỏ qua môn Lịch sử trong trường phổ thông. Học Lịch sử để biết, hiểu quá khứ, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá khứ để nghiên cứu, phát triển ở hiện tại và tương lai. Qua môn Lịch sử còn để giáo dục phẩm chất, nhân cách cho người học, luôn có tinh thần tự hào dân tộc, thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bản thân tôi và rất nhiều người ở Hội Lịch sử Việt Nam không đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT là tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc.
Không phải vì học sinh không thích học hay quay lưng với môn Lịch sử mà Bộ GD-ĐT tích hợp môn học này. Trước hết, Bộ GD-ĐT cần phải làm sao để thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò của môn Lịch sử đối với những người có trách nhiệm. Thứ hai, Bộ phải nâng cao trách nhiệm trong biên soạn chương trình. Giáo trình giảng dạy phải phù hợp với từng cấp lớp; đổi mới phương pháp giảng dạy, loại bỏ kiểu dạy - học thuộc lòng, đọc - chép; phải gắn kiến thức lịch sử gắn với thực tế cuộc sống. Bộ GD-ĐT phải có cải tiến trong việc lựa chọn các môn thi tốt nghiệp, tránh tình trạng học sinh chờ Bộ bắt buộc thi môn nào thì chỉ tập trung học môn đó mà lơ là những môn học khác, trong đó có Lịch sử.
TS. Trịnh Thị Mai Linh, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh: Phải là môn độc lập và bắt buộc
Đối với một dân tộc, việc giáo dục, bồi dưỡng cho công dân biết, hiểu những giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh của các thế hệ cha ông đi trước là hết sức cần thiết. Người ta không thể yêu Tổ quốc nếu không biết, không hiểu về lịch sử của dân tộc mình. Trong tất cả các môn học, Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải kiến thức lịch sử của dân tộc tới các thế hệ trẻ.
Những năm gần đây và hiện nay, khi còn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ, đã có rất nhiều học sinh không chọn thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học. Điều này không chỉ đơn thuần vấn đề lựa chọn môn học nào mà nó còn liên quan đến vấn đề chính trị của cả một quốc gia. Tôi nghĩ, nếu đưa Lịch sử là môn tự chọn hoặc tích hợp thì sẽ ngày càng nhiều học sinh “quay lưng” với môn học này. Bởi vậy, Lịch sử nên là môn học độc lập và bắt buộc.
Bà Dương Thị Kim Liên, cán bộ phụ trách môn Lịch sử - Địa lý, Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT: Cần đổi mới phương pháp giảng dạy
Theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT, hiện nay bậc phổ thông đang dạy môn Lịch sử với thời lượng 1,5 tiết/tuần. Trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ học Lịch sử 2,5 tiết/tuần, học sinh chuyên ban học 4 tiết/tuần môn. Tuy nhiên, hiện nay trong toàn tỉnh không có bất kỳ một lớp chuyên ban khoa học xã hội nào, do đó, sẽ không có học sinh nào học 4 tiết Lịch sử/tuần.
Những năm qua, trong số các môn tự chọn để thi tốt nghiệp THPT hay thi đại học, Lịch sử là môn có số phận “hẩm hiu” nhất khi có rất ít thí sinh lựa chọn. Trong khi các em chưa xác định được vai trò, vị trí của môn học này, có thái độ thờ ơ với môn Lịch sử thì lại càng phải là môn học bắt buộc để định hướng cho học sinh. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục và giáo viên là phải đổi mới giáo trình, đổi mới phương pháp dạy để lôi cuốn được học sinh, vận dụng kiến thức, bài học của lịch sử vào cuộc sống hiện tại. Cá nhân tôi thấy rằng, phần lịch sử dân tộc nên là phần nội dung học bắt buộc, phần lịch sử thế giới có thể tích hợp vào những môn học khác để học sinh có được cái nhìn tổng thể về lịch sử thế giới.
Về nội dung chương trình sách giáo khoa ở cấp tiểu học, theo tôi nên viết nhẹ nhàng, dễ hiểu. Ở bậc THCS, THPT cần tăng cường nhiều hình ảnh minh họa, tư liệu để học sinh tiếp thu bài học dễ dàng hơn.
Hạnh Dung (ghi)