Chỉ trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong lên 6 ca, tăng 5 ca so với năm 2014.
Chỉ trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp có 4 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong lên 6 ca, tăng 5 ca so với năm 2014.
Đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng gia đình anh Lương Hữu Hải, tạm trú tại ấp Long Đức, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) vẫn còn bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của bé Lương Thị Ngọc Long, 3 tuổi, con gái đầu lòng do sốt xuất huyết. Vì trong nhà đã có một người bị sốt xuất huyết nên khi bé Long bị sốt cao, gia đình đã nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và đưa bé lên Bệnh viện nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) điều trị với hy vọng con mình sẽ được chữa trị tốt hơn, nhưng cuối cùng vẫn không giữ được tính mạng của bé.
* Những cái chết không ngờ!
Anh Hải kể, vào chiều 23-9 bé bị sốt cao, cứ uống thuốc thì hạ, không uống lại sốt nên đến ngày hôm sau, vợ chồng anh cho bé lên nhập viện ở Bệnh viện nhi đồng 1. Do bệnh viện quá tải nên bé được điều trị tại khoa thận với chẩn đoán sốt siêu vi. Lúc này bé Long vẫn tỉnh táo. Tối 24-9, cha con anh vẫn chơi thú nhún trong khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên, đến chiều 25-9, bé sốt cao, uống sữa, ăn cháo đều bị nôn ói nên được chuyển sang khoa sốt xuất huyết trong tình trạng quấy khóc, bụng sưng, chảy máu chân răng. Tình trạng ngày càng nặng, đến ngày 27-9 bé được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê và điều trị tại đây 17 ngày thì tử vong.
Do khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết nên nhiều trẻ nhỏ phải nằm ở giường hoặc võng kê ngoài hành lang. |
Cũng trên địa bàn xã Tam Phước, vào ngày 10-10 bà Nguyễn Thị Phương, 46 tuổi, ở ấp Thiên Bình đã tử vong do sốt xuất huyết. Theo Trưởng trạm y tế xã Tam Phước Nguyễn Thành Công, bà Phương vốn bị bệnh tim nên sức khỏe yếu. Tuy nhiên khi bị sốt xuất huyết bà không biết, cứ nghĩ mình mệt do bị sốt siêu vi nên không điều trị sớm. Đến khi bệnh trở nặng, gia đình chuyển lên Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh thì mới phát hiện bị sốt xuất huyết nội tạng, suy tim, suy thận nên đã không cứu được.
Trước đó vào tháng 9-2015, bà Đỗ Thị Hương, 57 tuổi, ở xã Phú Bình, huyện Tân Phú cũng tử vong do bệnh tim mạch kèm theo sốt xuất huyết. Do sức đề kháng yếu, nên dù được điều trị sớm nhưng bà Hương vẫn không qua khỏi.
* Có thể phòng ngừa
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho rằng, nguyên nhân số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng là vì phần lớn các trường hợp này còn chủ quan dù sinh sống ngay trong vùng có ổ dịch lớn nhưng công tác diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt chưa được chú trọng. Nhiều trường hợp có các bệnh lý kèm theo, sức đề kháng kém, bởi bệnh sốt xuất huyết vào sốc rất đột ngột, không giống như những bệnh nhiễm trùng khác có diễn tiến nặng tăng dần.
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải nhấn mạnh, sốt xuất huyết là bệnh không có vaccine phòng ngừa, cũng như không có thuốc đặc trị nên công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Hầu hết là điều trị để tăng sức đề kháng, do đó nếu trường hợp nào có sức đề kháng yếu khi bị sốt xuất huyết sẽ dễ bị tấn công các bộ phận khác của cơ thể, làm suy đa bộ phận dẫn đến tử vong. Hiện nay, các bệnh viện trong tỉnh đều có khả năng điều trị sốt xuất huyết. Do phác đồ điều trị sốt xuất huyết đều như nhau nên người dân an tâm điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh. Không nên quá lo lắng đưa người bệnh, nhất là trẻ em lên TP.Hồ Chí Minh, nơi đang quá tải, không thể có đủ bác sĩ để theo dõi sát diễn tiến bệnh để có phương pháp cứu chữa kịp thời.
Gia đình anh Lương Hữu Hải tạm trú trong một ngôi nhà ẩm thấp ở ấp Long Đức 1, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) là nơi có 2 người bị sốt xuất huyết. |
Trong thời gian qua, ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng chống sốt xuất huyết. Do đó số ca sốt xuất huyết có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Hiện tại, mỗi tuần vẫn xuất hiện trên dưới 300 ca bệnh mới. Đến nay toàn tỉnh có trên 7 ngàn ca sốt xuất huyết, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2014. Lý giải tình trạng này, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, cho rằng: “Từ kiến thức đến hành vi là một khoảng rất dài. Việc tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết đã làm nhiều năm rồi, ai nói không biết là không đúng nhưng vấn đề ở chỗ họ có làm đúng hay chưa?”.
Nguy cơ dịch vẫn còn cao Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết, hiện nay mặc dù đỉnh dịch sốt xuất huyết đã qua nhưng số ca mắc mới vẫn còn cao do chưa diệt lăng quăng, diệt muỗi triệt để nên vẫn tiềm ẩn những yếu tố làm sốt xuất huyết có thể bùng phát trở lại. Giải pháp phòng chống sốt xuất huyết quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải vệ sinh môi trường trong khu dân cư, trong nhà và ngoài vườn. Mỗi tuần người dân phải dành 15 - 20 phút để vệ sinh nhà cửa, không để ao tù, nước đọng, không để các vật chứa nước không có nắp đậy, đổ bỏ các vật phế thải chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, lăng quăng phát triển. |
Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, một bộ phận lớn người dân vẫn chưa làm hoặc có thực hiện các biện pháp phòng dịch nhưng chưa triệt để. Người dân chỉ dọn dẹp vật dụng chứa nước lớn còn các vật dụng nhỏ, như: bình bông, vật phế thải xung quanh nhà và bãi đất trống vẫn chưa được dọn dẹp. Nhiều hộ dân cũng không hợp tác cho ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, nếu chỉ phun hóa chất diệt muỗi nhưng không diệt lăng quăng thì vẫn không có hiệu quả. Vì chỉ cần 10 ngày sau phun hóa chất diệt muỗi nhưng còn lăng quăng thì vẫn phát triển thành muỗi, nguy cơ dịch vẫn còn cao. Do đó, giải pháp bền vững nhất vẫn là mỗi gia đình phải ý thức diệt lăng quăng hàng ngày.
Ngọc Thư