Những ngày qua, bệnh nhi ồ ạt đến khám và điều trị ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khiến nhiều khoa, phòng tại bệnh viện trở nên quá tải. Tại một số khoa điều trị nội trú, như: nhiễm, hô hấp, bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí mắc võng nằm ở hành lang.
Những ngày qua, bệnh nhi ồ ạt đến khám và điều trị ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khiến nhiều khoa, phòng tại bệnh viện trở nên quá tải. Tại một số khoa điều trị nội trú, như: nhiễm, hô hấp, bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí mắc võng nằm ở hành lang.
Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một trẻ bị tay chân miệng. |
Các loại bệnh trẻ đang mắc nhiều hiện nay là: sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp, trong đó bệnh sốt xuất huyết vẫn đang dẫn đầu với số ca mắc cao nhất, cũng như có nhiều ca bệnh nặng nhất. Trong tháng 9, bệnh sốt xuất huyết có trên 1,3 ngàn ca điều trị ngoại trú, tăng 341 ca so với tháng 8; 852 ca điều trị nội trú, tăng 83 ca so với tháng 8. Điều đáng lưu ý, do việc điều trị bệnh sốt xuất huyết tại một số phòng mạch tư không đúng theo phác đồ đã khiến nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng, phải điều trị dài ngày hơn.
* Sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết
Hơn 10 ngày qua, bé Trần Văn Công Bin, ngụ tại ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) bị suy hô hấp, phải thở oxy tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Trước đó, bé Bin sốt cao, được gia đình đưa đi khám tại một phòng mạch bác sĩ ở xã Thanh Sơn. Tại đây, em đã được chẩn đoán sốt siêu vi và được tiêm thuốc 2 ngày liên tục, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm nên gia đình đưa em vào Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán thì phát hiện bị sốt xuất huyết Dengue thể nặng nên chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Đặng Công Chánh, Phó khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho biết khi phát hiện bệnh sốt xuất huyết, không nên chích thuốc như trên mà chủ yếu dùng thuốc hạ sốt và theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân có biểu hiện bứt rứt, nôn ói, da nổi bông, đau bụng, môi tái... thì phải nhập viện để điều trị theo đúng phác đồ, có như thế mới hạn chế biến chứng nặng, giảm tỷ lệ tử vong.
Về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm, chia sẻ trong số 127 ca sốt xuất huyết hiện đang điều trị tại bệnh viện, có đến 16 ca bệnh nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc do bị sốc. Dù dịch sốt xuất huyết đang bùng phát nhưng vẫn còn tình trạng điều trị sốt xuất huyết sai phác đồ của Bộ Y tế. Cụ thể là truyền dịch không đúng ở các cơ sở y tế tuyến cơ sở, kể cả các cơ sở y tế tư nhân khiến trẻ đến bệnh viện trong tình trạng nặng, có thể dẫn đến tình trạng sốc kéo dài, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, gây khó khăn cho công tác điều trị ở các bệnh viện tuyến trên .
* Bệnh tay chân miệng bùng phát
Trong khi khoa nhiễm của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai vẫn đang quá tải với bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng cao thì trong tháng 9, bệnh tay chân miệng lại bùng phát. Nếu như trong tháng 8 mỗi ngày có từ 60-70 ca điều trị nội trú thì đến tháng 9 đã có 428 ca tay chân miệng điều trị nội trú và gần 3,5 ngàn ca điều trị ngoại trú (tăng gần 1,5 ngàn ca so với tháng 8). Trong đó, có nhiều ca tay chân miệng nặng có biến chứng thần kinh, rối loạn hô hấp.
Bệnh hô hấp tăng cao Hiện nay, trung bình mỗi ngày có từ 20-30 bệnh mới nhập viện do bệnh hô hấp, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, nhiều nhất là các bệnh: viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm phổi... Có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng phải điều trị hồi sức tích cực do suy hô hấp. Bác sĩ Đặng Công Chánh, Phó khoa hồi sức tích cực - chống độc, giải thích vào mùa mưa lạnh, tình trạng viêm phổi phát triển, nhất là ở trẻ còn bú mẹ do đường phổi ngắn, hẹp khi phổi bị viêm gây tắc nghẽn dễ bị suy hô hấp, bệnh dễ trở nặng hơn các lứa tuổi lớn hơn nên các phụ huynh có con nhỏ phải lưu ý để đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. |
Cụ thể như trường hợp bé Trần Hoàng Bách ở xã Phú Bình, huyện Định Quán bị nổi chấm đỏ ở vùng tay, chân, bị giật mình nhiều suốt 2 ngày liền. Tuy nhiên, do bé không bị sốt cao nên gia đình chủ quan không nghĩ là bệnh tay chân miệng, tự điều trị ở nhà. Đến khi bé sốt cao, mạch nhanh, khò khè, nổi bóng nước, gia đình mới đưa đến bệnh viện để khám bệnh thì bệnh tay chân miệng đã chuyển nặng sang độ 3 và phải điều trị ở khoa hồi sức tích cực - chống độc suốt nhiều ngày.
Giải thích cho nguyên nhân số ca bị tay chân miệng tăng cao, bác sĩ Lê Văn Giai cho biết bệnh chỉ tập trung ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, do lây lan từ nhà trẻ hoặc ở các gia đình có trẻ bị tay chân miệng. Do đó, nếu thấy trẻ nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, đùi mông, sốt cao khó hạ, bứt rứt, quấy nhiễu, hay giật mình, chới với lúc ngủ, phụ huynh nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là do số lượng trẻ bị bệnh nhập viện điều trị nội trú ngày càng đông nên một số khoa, phòng không đủ chỗ đã phải cho trẻ nằm ghép, nằm giường kê ở ngoài hành lang. Trẻ bị bệnh dễ lây lan như tay chân miệng cũng ở cùng khu với trẻ bị sốt xuất huyết, sốt siêu vi. Dù bệnh viện đã bố trí các bệnh nhân bị sốt xuất huyết và sốt siêu vi ở khác phòng trẻ bị tay chân miệng nhưng trong tình trạng chật chội, trẻ phải nằm hành lang trong khoa nên khả năng lây nhiễm chéo hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngọc Thư