Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng giá, có tăng chất lượng phục vụ?

10:10, 18/10/2015

Theo Bộ Y tế, dự kiến từ tháng 11-2015, các bệnh viện trong toàn quốc sẽ đồng loạt tăng giá các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Như vậy sẽ có hơn 1,8 ngàn dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, chủ yếu là các thủ thuật, phẫu thuật.

Theo Bộ Y tế, dự kiến từ tháng 11-2015, các bệnh viện trong toàn quốc sẽ đồng loạt tăng giá các dịch vụ y tế đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Như vậy sẽ có hơn 1,8 ngàn dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, chủ yếu là các thủ thuật, phẫu thuật.

Bệnh nhân suy thận đang được lọc máu tại Khoa Lọc máu - thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bệnh nhân suy thận đang được lọc máu tại Khoa Lọc máu - thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế lần này nằm trong lộ trình điều chỉnh giá viện phí do Bộ Y tế xây dựng hướng đến tính đúng, tính đủ viện phí nhằm tăng nguồn thu để các cơ sở khám, chữa bệnh có kinh phí tái đầu tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.

* Bệnh viện và bệnh nhân đều có lợi

Bác sĩ Lê Quang Trung phân tích: Giá dịch vụ y tế nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí (thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học). Tuy nhiên, hiện nay, giá viện phí mới tính 3 yếu tố đầu tiên, nên theo lộ trình trong tháng 11-2015 sẽ tăng lên 4 yếu tố, đưa thêm tiền lương, phụ cấp vào giá dịch vụ y tế. Các bệnh viện sẽ có thêm kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị , cũng như chi phí hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế học tập nâng cao tay nghề.

Bệnh nhân lo lắng

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số bệnh viện, nhiều người dân, nhất là những người bị bệnh hiểm nghèo, điều trị bệnh mạn tính, như: ung thư, suy thận... vẫn chưa biết rõ về thông tin điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và tỏ ra lo lắng khi biết sẽ tăng giá đồng loạt nhiều dịch vụ y tế. Ông Dìn Phát Hưng (ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho hay dù có thẻ BHYT nhưng mỗi tháng ông phải tốn 1,2 triệu đồng để đồng chi trả chi phí lọc thận cho con trai tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Để có tiền lo cho con, suốt 4 năm qua ông ráng chạy vạy vay mượn tiền người thân, chòm xóm đợi đến mùa thu hoạch xong lại trả nhưng vẫn chưa hết nợ. Nay giá dịch vụ y tế lại tăng, gia đình ông không biết sẽ phải xoay xở ra sao khi tính mạng con của ông phải phụ thuộc vào máy. Ông kiến nghị nên có một nguồn quỹ để hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo, bị bệnh mãn tính nặng như con trai ông có điều kiện chữa trị bệnh.

 Điểm mới của việc tăng giá dịch vụ y tế lần này sẽ tạo mức giá đồng nhất cho các dịch vụ y tế trong cả nước, tạo sự bình đẳng trong công tác khám, chữa bệnh. Vì hiện nay, cùng một kỹ thuật nhưng bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương được tính giá cao hơn, trong khi ở tuyến huyện có mức giá thấp hơn. Do đó, trong lần điều chỉnh lần này, các dịch vụ y tế của bệnh viện tuyến huyện sẽ tăng ngang bằng tuyến tỉnh, trung ương. Ngoài ra, theo Luật BHYT sửa đổi, đến đầu năm 2016 sẽ thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và người bệnh có thêm quyền lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh.

“Bệnh nhân không chỉ hưởng lợi do chất lượng phục vụ tăng mà còn được BHYT thanh toán ở mức cao hơn. Một số dịch vụ trước đây BHYT không thanh toán, người dân tự chi trả thì nay sẽ có nhiều dịch vụ cao được thanh toán, giảm chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, như: can thiệp tim mạch, mổ nội soi, thay khớp gối...” - bác sĩ Lê Quang Trung nhấn mạnh.

* Bệnh viện chưa vội mừng

Lãnh đạo một số bệnh viện bày tỏ sự đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ y tế hướng tới tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành viện phí là phù hợp với quá trình phát triển. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Thực tế hiện nay muốn chất lượng dịch vụ tốt phải đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, chuyên sâu. Muốn làm được điều đó, chỉ từ nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư sẽ không đủ”.

Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hướng dẫn người dân thủ tục  khám, chữa bệnh.
Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hướng dẫn người dân thủ tục khám, chữa bệnh.

Mặc dù việc tăng giá dịch vụ y tế đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ được hưởng lợi từ nguồn kinh phí tăng thêm nhưng các bệnh viện vẫn còn không ít băn khoăn. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, với giá dịch vụ như hiện tại, bệnh viện càng mổ nhiều lại càng phải bù lỗ do phải chi trả thêm tiền phụ cấp cho ê-kíp phẫu thuật. Nếu trong đợt tăng giá dịch vụ lần này chỉ tăng chủ yếu cho thủ thuật, phẫu thuật thì mới khắc phục được việc bù lỗ chứ chưa tác động nhiều đến tăng chất lượng phục vụ khi giá công khám, giường bệnh vẫn chưa được điều chỉnh tăng. Đây cũng là một áp lực rất lớn đối với bệnh viện.

Trong khi đó, các bệnh viện tuyến huyện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi giá dịch vụ y tế tăng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi các bệnh viện tuyến huyện thực hiện được nhiều các thủ thuật, phẫu thuật mới có tác động rõ rệt. Riêng các bệnh viện huyện có số thẻ BHYT thấp, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ khiến bệnh viện gặp không ít khó khăn. Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Tường lo lắng, đặc thù của huyện là không có khu công nghiệp nên không có thẻ BHYT cho đối tượng công nhân mà chủ yếu là người dân có bệnh mới mua BHYT tự nguyện. Do người dân khám bệnh khá nhiều, tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp nên quỹ BHYT luôn rất thấp. Nếu tính giá dịch vụ y tế như hiện nay, thì từ nay đến cuối năm, ước chừng quỹ BHYT của huyện sẽ thiếu hơn 10 tỷ đồng. Nếu giá tiếp tục tăng, khả năng vượt quỹ sẽ rất cao.

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều