Nghị định số 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2015.
Nghị định số 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2015.
Những lớp học của Trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Cẩm Mỹ) còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. |
Bộ GD-ĐT cho rằng mức học phí mới không ảnh hưởng nhiều đến người học, nhưng trên thực tế không ít phụ huynh học sinh tỏ ra băn khoăn, lo ngại khi học phí tăng, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, miền núi, những gia đình có đông con đang đi học.
* Trăm mối lo đổ đầu phụ huynh
Gia đình ông Đoàn Văn Đạt (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) có 2 con đang học đại học và THPT. Ông Đạt cho hay, đầu năm học qua ông đóng tiền học, tiền bảo hiểm các loại cho 2 con hết hơn 4 triệu đồng. Đó là còn chưa kể tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền học thêm ở trung tâm, ở nhà giáo viên. Đến tháng 12 này, học phí tăng đồng nghĩa với việc gia đình ông phải gánh thêm một gánh nặng.
Thầy Lê Cảnh Thu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) cho biết hiện tại mức học phí đối với học sinh nhà trường thuộc khu vực nông thôn là 20 ngàn đồng/học sinh/tháng. Có 77 học sinh thuộc diện mồ côi, hộ nghèo được miễn học phí, 10 em thuộc hộ cận nghèo được giảm 50% học phí. Do phụ huynh học sinh của trường chủ yếu làm rẫy, làm thuê, đời sống còn nhiều khó khăn nên nhà trường tiến hành thu học phí theo từng tháng, từng kỳ tùy thuộc vào khả năng của gia đình học sinh. Tới đây, mức học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà từ cấp mầm non đến giáo dục phổ thông công lập thuộc khu vực này tăng khoảng 30-120 ngàn đồng. Nếu tăng tối đa lên 120 ngàn đồng/học sinh/tháng thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh học sinh nhà trường.
* Sinh viên thắt lưng buộc bụng
Khi nghe tin học phí khối ngành y dược sẽ tăng từ 880 ngàn đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng từ tháng 12-2015 và năm học tiếp theo, sinh viên Đặng Ngọc Sơn, đang học năm thứ 2 ngành bác sĩ đa khoa, Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh (nhà ở xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) lo lắng: “Học phí hiện tại của em là 8,8 triệu đồng/năm học (10 tháng). Em còn một anh trai đang học Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Do hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, hàng tháng ngoài tiền học phí, cha mẹ chỉ có thể cho 2 anh em một triệu đồng để trả tiền nhà. Còn lại các khoản ăn uống, sinh hoạt, 2 anh em phải tự lo hết bằng việc đi làm gia sư, làm thêm các công việc ngoài và cố gắng xoay sở để đủ sống. Học phí tăng đột biến như vậy, em sẽ rất khó khăn”.
Không chỉ khối ngành y dược, các khối ngành khác cũng tăng học phí. Cụ thể như: ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 1,75 triệu đồng/tháng; 2 năm học tiếp theo là 1,85 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng/tháng. Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 là 2,05 triệu đồng/tháng; 2 năm học tiếp theo là 2,2 triệu đồng/tháng; năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng.
Hạnh Dung