Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Đồng Nai là 108 bé trai/100 bé gái, thấp hơn tỷ số của cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Đồng Nai là 108 bé trai/100 bé gái, thấp hơn tỷ số của cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số địa phương có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Trong đó, huyện Thống Nhất là địa phương có tỷ số giới tính khi sinh trong 5 năm liên tục (2010-2014) cao nhất tỉnh, trung bình mỗi năm có 117 bé trai/100 bé gái chào đời.
* Thích con trai hơn con gái!
Bác sĩ Nguyễn Đình Thư, Khoa sản Bệnh viện đa khoa Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho biết trong thời gian qua, không hiểu vì sao đa số sản phụ nhập viện sinh bé trai nhiều hơn bé gái. Đơn cử, trong tuần vừa qua (từ ngày 19 đến 25-10), tại bệnh viện có 23 bé chào đời thì có 18 bé trai. Riêng ngày 22-10, tại bệnh viện này có 8 bé chào đời thì tất cả đều là bé trai.
Ở huyện Thống Nhất, tỷ suất giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao. Trong ảnh: Một bé trai vừa chào đời tại Bệnh viện đa khoa Dầu Giây. |
Lý giải cho vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Thống Nhất, cho biết hiện nay tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại ở nhiều người và nhiều vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ sinh bé trai cao hơn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 tại huyện Thống Nhất trong 5 năm qua (2010-2014) còn rất cao, trung bình chiếm 10,8% tổng số trẻ. Chị N.N.B. ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tâm sự: “Vợ chồng tôi có 2 bé gái rồi nhưng cũng ráng sinh thêm một bé trai để thờ cúng tổ tiên sau này. Do “vỡ kế hoạch” nên vợ chồng tôi lại sinh con thứ 4 là bé trai nữa. Gia đình tôi làm nông nghiệp, cuộc sống hiện nhiều khó khăn, vất vả lắm”.
* Chưa có chế tài xử lý
Không chỉ có huyện Thống Nhất mà những năm gần đây các huyện Xuân Lộc, Long Thành cũng có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao, với 118 bé trai/100 bé gái. Qua đó, cho thấy hiện nay ở các vùng nông thôn tại các địa phương đang phát triển, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tăng cao.
Theo thông tin từ Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, để thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính thai nhi, còn phải cần xây dựng gia đình văn hóa, biểu dương gia đình sinh con một bề là gái, không sinh con thứ 3; chia sẻ kinh nghiệm học tập, rèn luyện của các cháu gái có thành tích học giỏi, sống tốt. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ và tập huấn kỹ năng truyền thông, các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. |
Việc giảm mất cân bằng giới tính khi sinh hiện mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động người dân chứ chưa xử lý nghiêm hoặc chưa có chế tài xử lý các lỗi vi phạm, như: công bố giới tính khi siêu âm, công khai chỉ dẫn cách sinh con trai qua các trang mạng trên Internet, thậm chí in thành sách bán...
Theo bà Nguyễn Kim Tuyến, Chi cục phó Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh (Sở Y tế), trong thời gian qua chi cục phối hợp với các ngành liên quan xử phạt một số nhà sách có bán sách chỉ hướng dẫn cách sinh con trai theo ý muốn. Tuy nhiên việc xử lý các phòng khám tư công bố kết quả siêu âm cho thai phụ không phải dễ vì các phòng khám có rất nhiều cách để đối phó. Riêng việc xử lý các trang web vi phạm là một điều cực kỳ khó khăn do vượt thẩm quyền. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là tập trung tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, xóa dần tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
An An