Gần 2 tháng đi vào hoạt động, Khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cấp cứu cho hơn 10 ca nhồi máu cơ tim cấp, trong đó có 3 ca có thêm biến chứng ngưng tim.
Gần 2 tháng đi vào hoạt động, Khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cấp cứu cho hơn 10 ca nhồi máu cơ tim cấp, trong đó có 3 ca có thêm biến chứng ngưng tim. Nếu những ca này không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Trần Văn Thanh Phong, Phó khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp |
Sau 2 tuần chữa trị, ông Trần Thanh Dũng, 44 tuổi, ngụ tại KP.3, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) bị nhồi máu cơ tim cấp, có biến chứng ngưng tim đã khỏe mạnh trở lại. Ông Dũng chia sẻ, vào ngày 6-9 khi ông đang đi họp phụ huynh cho con thì đột ngột bị đau ngực, cơn đau ngày càng nhiều khiến ông khó thở. Thấy sức khỏe không ổn, vì trước đây ông chưa từng bị đau ngực nhiều và kéo dài lâu như vậy nên ông đến thẳng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để cấp cứu.
Suýt chết vì đau thắt ngực đột ngột
Ông Dũng đã gắng hết sức vào đến phòng cấp cứu thì bị té xỉu, hôn mê. Các bác sĩ khám bệnh phát hiện ông bị rung thất, ngưng tim và chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp nên đã hồi sức tim, đặt nội khí quản và tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu. Theo đó, các bác sĩ khoa tim mạch can thiệp đã dùng ống thông qua động mạch đùi đến động mạch vành của bệnh nhân, phát hiện tắc ngay lỗ động mạch liên thất trước nên đã dùng dụng cụ hút huyết khối, đặt stent mạch vành ở vị trí tắc cho máu lưu thông trở lại. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên ông Dũng đã mau chóng hồi phục.
Được biết, trong 3 ca nhồi máu cơ tim có biến chứng ngưng tim được cứu sống tại bệnh viện gần 2 tháng qua đều có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá trên 20 năm. Bác sĩ Trần Văn Thanh Phong, Phó trưởng khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết ông Dũng là một trong những người rất may mắn, nếu ông đến cấp cứu chậm hơn vài phút sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng do huyết khối tụ trong các mạch máu nuôi tim (còn gọi là động mạch vành) làm tắc mạch máu, gây tình trạng thiếu oxy dẫn đến biến chứng ngưng tim. Đây là một trong những ca bệnh tim rất nặng, nếu không được can thiệp mạch vành cấp cứu kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng, toàn bộ cơ thể sẽ thiếu máu nuôi, nguy cơ tử vong cao.
Sớm khám và sàng lọc bệnh lý tim mạch
Bác sĩ Trần Văn Thanh Phong cảnh báo người dân không nên chủ quan đối với các cơn đau thắt ngực. Trên thực tế có nhiều nguyên nhân gây đau ngực, tuy nhiên cần cố gắng phân biệt đau ngực do bệnh lý tim mạch và đau ngực do gắng sức. Theo đó, cần chú ý những cơn đau như có vật gì nặng đè lên ngực, thời gian đau ngực kéo dài từ 5-15 phút hoặc có thể kéo dài hơn, cơn đau mỗi lúc mỗi tăng thì phải nghĩ ngay đến bệnh lý tim mạch và phải đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim cũng là các yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch là do hút thuốc lá lâu năm, bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu cao...
Hiện nay, trong tỉnh đã có 2 bệnh viện triển khai can thiệp tim mạch là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Tại đây không chỉ cấp cứu, can thiệp mạch vành cho các trường hợp bị nhồi máu cơ tim mà còn khám, sàng lọc các bệnh lý tim mạch. Do đó, khi có các triệu chứng đau ngực như trên hoặc những cơn đau ngực không rõ nguyên nhân, các bệnh nhân nên đến khám tim mạch tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được khám và sàng lọc bệnh. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đo điện tim gắng sức; trường hợp có nghi ngờ sẽ cho chụp MSCT động mạch vành để tìm nguyên nhân gây bệnh, phòng ngừa xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Văn Thanh Phong, Phó khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khuyến cáo để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim không nên hút thuốc lá; hạn chế uống rượu bia; chế độ ăn khỏe mạnh: ăn ít mỡ động vật, ăn nhiều trái cây, rau xanh; tập thể dục thường xuyên; duy trì cân nặng lý tưởng; kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và mỡ máu. |
Ngọc Thư