Tay chân miệng và sốt xuất huyết là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Cho đến nay, hai bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng ngừa.
Tay chân miệng và sốt xuất huyết là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Cho đến nay, hai bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng ngừa. Việc điều trị bệnh chỉ nhằm nâng sức chống đỡ của cơ thể đối với bệnh và làm giảm các triệu chứng nguy hiểm. Do đó, khi trẻ mắc bệnh thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ là yếu tố quan trọng để trẻ mau khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe tốt.
Theo bác sĩ Lưu Thị Khanh, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, để chăm sóc trẻ bị bệnh đúng cách các bậc phụ huynh cần lưu ý các nguyên tắc chung sau:
* Dinh dưỡng cần thiết cho trẻ bị bệnh tay chân miệng
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau rát. Để kích thích trẻ ăn uống, các bà mẹ nên cho trẻ ăn những món mà trẻ thích. Bên cạnh đó, để trẻ dễ ăn hơn thì cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm và giàu dinh dưỡng.
Không nên cho trẻ ăn ngay khi vừa nấu xong vì đồ ăn nóng sẽ làm trẻ đau không nuốt được, nên để đồ ăn thật nguội, thậm chí có thể làm mát để trẻ dễ ăn. Khi cho trẻ ăn, nên cẩn thận tránh đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Nếu trẻ ăn ít thì nên cho trẻ ăn nhiều bữa hơn bình thường, không nên cố gắng ép trẻ ăn vì nếu làm trẻ khóc nhiều, trẻ sẽ mệt mỏi hơn.
Có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua, phô mai, bánh flan, sữa bột, bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát... Cần uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
Sau khi ăn nên cho trẻ súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi, sau 3 - 4 tiếng thì mới cho ăn bữa khác. Khi bệnh tình của trẻ đã thuyên giảm (thường là sau 4 - 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem để trẻ nhanh hồi phục.
* Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh sốt xuất huyết
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường chán ăn, mệt mỏi, hay ói và đau bụng. Vì vậy nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, nhẹ, dễ tiêu và đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 5 nhóm thực phẩm chính là: ngũ cốc, hoa quả, rau xanh, sữa, thịt và các loại đậu. Không nhất thiết phải cho trẻ ăn đủ từng ấy loại thực phẩm mỗi ngày, tuy nhiên người mẹ nên luân phiên để thay đổi thực đơn cho trẻ theo các ngày trong tuần. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ bị sốt xuất huyết thường bị mất nước do sốt cao liên tục nên cần chú ý bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống thích hợp nhất cho trẻ là nước Oresol (nước biển khô) được pha đúng cách theo hướng dẫn. Trong trường hợp không có nước Oresol thì có thể cho trẻ uống nước cam, nước chanh, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo, nước khoáng hay nước đun sôi để nguội. Cần lưu ý, khi cho trẻ uống thì cho uống từ từ, vì nếu trẻ uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc, có thể sẽ gây hiện tượng nôn ói, càng làm trẻ mất sức, mất nước nhiều hơn.
Hoài An