Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình

09:10, 13/10/2015

Sau 7 năm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực (ngày 1-7-2008), công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Không chỉ giảm số lượng bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình có  tính chất nghiêm trọng đã giảm đáng kể.

Sau 7 năm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực (ngày 1-7-2008), công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Không chỉ giảm số lượng bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình có  tính chất nghiêm trọng đã giảm đáng kể.

Trong đó, việc đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình được coi là một trong những giải pháp chủ lực trong việc kéo giảm số vụ bạo lực gia đình.

* Chuyển biến tích cực

Năm 2008, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) được tỉnh chọn làm điểm mô hình nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, sinh hoạt lồng ghép với mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Bà Lưu Thị Sáu, cán bộ gia đình và trẻ em, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình xã Sông Trầu, cho biết Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình xã đã gắn tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc với phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Một gia đình tham gia trò chơi chuyền bi tại Ngày hội văn hóa gia đình tỉnh năm 2015.  Ảnh: N.SƠN
Một gia đình tham gia trò chơi chuyền bi tại Ngày hội văn hóa gia đình tỉnh năm 2015. Ảnh: N.SƠN

Song song đó, xã Sông Trầu còn thành lập các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, định kỳ 2-3 tháng câu lạc bộ sinh hoạt một lần với các nội dung, như: xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ; gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội, không có hành vi bạo lực gia đình; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Đặc biệt, câu lạc bộ đã chú trọng hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất giúp các gia đình tìm được cách làm ăn phù hợp, góp phần ổn định kinh tế gia đình. Với hiệu quả thiết thực, mô hình đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người dân. 

Bên cạnh xây dựng và phát triển 548 câu lạc bộ gia đình, các điểm tạm lánh, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… mô hình nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được các địa phương nhân rộng. Sau 7 năm triển khai kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình, toàn tỉnh có 978 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Không chỉcan thiệp kịp thời làm giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo lực gia đình mà đáng chú ý hơn, các mô hình này đảm nhận hoạt động tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, các hành vi và tác hại của bạo lực gia đình trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi nhận thức lẫn hành vi của cộng đồng về vấn đề bạo lực gia đình, và đặc biệt là các thành viên trong gia đình đã từng xảy ra bạo lực.

* Đa dạng hóa công tác tuyên truyền

Ngay sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có hướng dẫn triển khai thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh và ban hành hàng loạt các văn bản có liên quan làm căn cứ để Sở Văn hóa - thể thao và du lịch xây dựng kế hoạch hoạt động.

Nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do định kiến giới với các tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến cho nam giới luôn cho mình là người trụ cột có quyền định đoạt mọi thứ. Bên cạnh đó, một số người luôn có suy nghĩ lệch lạc về cách dạy con “yêu cho roi, cho vọt”; sự đấu tranh của phụ nữ trước bạo lực gia đình còn hạn chế… Nhận thức được các vấn đề trên nên để triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình, ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình các cấp luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền và coi đây là một trong những giải pháp chủ lực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), cho biết cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, các hội thi nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, từ năm 2009 đến nay, Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh đã xây dựng kịch bản và dàn dựng các vở kịch ngắn trình chiếu trước các buổi chiếu phim lưu động, chiếu phim phụ đề trước các buổi chiếu phim chính thức. Ngoài phát tài liệu, trang bị tủ sách pháp luật, giáo dục đời sống gia đình cho các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình còn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tại các địa phương, ngoài hoạt động tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, kế hoạch hành động phòng chống bạo lực gia đình trở thành một trong những nội dung chính trong buổi sinh hoạt của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, từng bước đưa nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến với người dân.

Bà Đặng Thị Tố Định, cán bộ phụ trách công tác gia đình (thuộc Phòng Văn hóa thông tin huyện Tân Phú), cho biết từ điều kiện thực tế của địa phương, huyện đã chú trọng hoạt động của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và coi đó là phương pháp hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm xử lý tình huống xảy ra trong gia đình, cách nuôi dạy con, làm kinh tế… Từ đó, giúp các thành viên trong gia đình thấy được vai trò, vị trí của gia đình, từ từ thay đổi thái độ, hành vi ứng xử với các thành viên khác trong gia đình.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều