Trong khi bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm thì từ đầu tháng 9 đến nay một số bệnh truyền nhiễm, như: hô hấp, tay chân miệng tăng nhanh, khiến các khoa nhiễm, hô hấp ở nhiều bệnh viện lớn trong tỉnh trở nên quá tải.
Trong khi bệnh sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm thì từ đầu tháng 9 đến nay một số bệnh truyền nhiễm, như: hô hấp, tay chân miệng tăng nhanh, khiến các khoa nhiễm, hô hấp ở nhiều bệnh viện lớn trong tỉnh trở nên quá tải.
Bệnh nhân Khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phải nằm ở hành lang do bệnh nhân sốt xuất huyết và tay chân miệng nhập viện tăng cao. |
Sau hơn một tuần điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bé Trần Quốc Linh, 27 tháng tuổi, ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc vẫn còn hôn mê, phải thở máy. Bé Linh bị sốt xuất huyết nặng, có biến chứng sốc, sốt xuất huyết thể não. Trước đó vào ngày 5-9, bé nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, tím tái, thở yếu, chảy máu mũi, miệng, tụt huyết áp.
* Nhiều ca sốt xuất huyết nặng
Đó chỉ là một trong hàng chục trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Tại đây, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 ca bệnh sốt xuất huyết nặng có biến chứng tụt huyết áp, sốc, tổn thương gan, tổn thương não. Cũng ở bệnh viện này, tại khoa nhiễm, bệnh nhân sốt xuất huyết nằm la liệt ra cả 2 dãy hành lang của bệnh viện, tổng số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú lên 70-80 ca. Mỗi ngày khoa nhiễm tiếp nhận từ 20-30 ca sốt xuất huyết mới, trong đó có đến 25% ca bị sốc.
Các ca sốt xuất huyết nặng không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà cả người lớn. Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết trước tình trạng số ca sốt xuất huyết tăng cao, với hơn 100 ca/ngày, vượt trên 300% công suất giường bệnh tại khoa, trong đó có đến 20% ca sốt xuất huyết nặng nên từ đầu tháng 9-2015, khoa nhiễm đã đưa phòng cấp cứu đi vào hoạt động để kịp thời cấp cứu bệnh nhân nặng, như: sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo...
Tương tự, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, số ca sốt xuất huyết cũng tăng cao, trung bình mỗi ngày có 40-50 ca điều trị nội trú, trong đó có 20-30% ca bệnh nặng do bị sốc, nhiều ca phải truyền tiểu cầu, truyền máu. “Việc mua tiểu cầu không phải dễ vì phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để mua, mà không phải lúc nào mua cũng có. Vừa qua có một ca sốt xuất huyết nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị do không mua được tiểu cầu cùng nhóm” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa nhiệt đới Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho hay.
* Bệnh hô hấp, tay chân miệng tăng cao
Hiện nay, bệnh hô hấp là bệnh có số ca đến khám ngoại trú và điều trị nội trú cao nhất tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 9-2015 đã có hơn 2,5 ngàn trẻ bệnh hô hấp khám ngoại trú và có 262 trẻ nhập viện điều trị nội trú, trong đó phần lớn là ở độ tuổi nhỏ dưới 2 tuổi do bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Như trường hợp bé Huỳnh Ngọc Thảo Vy, 2 tháng tuổi, ngụ tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom phải thở máy 12 ngày vì bị biến chứng nặng từ bệnh viêm tiểu phế quản. Nguyên nhân do người nhà tự điều trị tại nhà cho bé đến khi bé ho ngày càng nhiều, người tím tái mới được chuyển đến bệnh viện.
Bị bệnh sốt huyết rồi vẫn bị lại Hiện nay, không ít người nghĩ rằng đã bị sốt xuất huyết rồi sẽ không bị lại nữa nên còn chủ quan trong việc phòng, chống bệnh. Tuy nhiên theo các bác sĩ chuyên khoa, trường hợp mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị sốt xuất huyết lại và có khả năng còn nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, giải thích bệnh sốt xuất huyết trong tỉnh đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4. Một người đã từng mắc sốt xuất huyết sẽ miễn dịch với một tuýp virus nhưng miễn dịch này không bền vững nên vẫn có khả năng mắc sốt xuất huyết lại do tuýp virus đó hoặc do tuýp virus khác. Sốt xuất huyết lần 2 thường nặng hơn lần đầu, nếu ai bị sốc ở lần đầu thì lần sau sẽ bị sốc nặng hơn. |
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc, cho biết nhiều phụ huynh rất chủ quan, cứ nghĩ bệnh viêm tiểu phế quản không đáng lo bằng bệnh viêm phổi nên tự điều trị ở nhà cho trẻ. Đây là sai lầm lớn vì bệnh viêm phổi do vi trùng còn có thuốc đặc trị; riêng bệnh viêm tiểu phế quản do siêu vi trùng gây nên, không có thuốc đặc trị, bệnh dễ diễn tiến nặng nếu không được điều trị đúng phác đồ. Từ các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi nếu không điều trị dứt điểm trẻ sẽ sốt cao, ho nhiều, khò khè, viêm nhiễm đường thở, suy hô hấp.
Ngoài ra, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số ca bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày có gần 100 ca tay chân miệng khám ngoại trú và từ 10-15 ca mới nhập viện nội trú, trong đó có 10% ca nặng có biến chứng thần kinh, hô hấp. Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm, cho biết từ đầu tháng 9 đến nay, khi bước vào những tuần đầu tiên của năm học mới, bệnh tay chân miệng tăng từng ngày. Một trong những nguyên nhân chính là do bệnh này dễ lây lan trong môi trường đông đúc. Do bệnh không có vaccine phòng, ngừa nên cách tốt nhất là thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng; vệ sinh phòng học, đồ chơi và cách ly trẻ bị tay chân miệng để tránh lây lan cho trẻ khác.
Ngọc Thư