Để thuận tiện cho việc học hành của con và công việc của cha mẹ, một số phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa đều làm đơn cho con được ở bán trú nhà giáo viên chủ nhiệm. Tức là, nếu con học một buổi ở trường thì phụ huynh đăng ký cho con ở nhà giáo viên buổi còn lại.
Để thuận tiện cho việc học hành của con và công việc của cha mẹ, một số phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa đều làm đơn cho con được ở bán trú nhà giáo viên chủ nhiệm. Tức là, nếu con học một buổi ở trường thì phụ huynh đăng ký cho con ở nhà giáo viên buổi còn lại.
Học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) ở bán trú nhà cô giáo chủ nhiệm. |
Gửi con ở nhà giáo viên, phụ huynh rất an tâm vì có người trông giữ. Ở đây, con trẻ được học cách tự lập từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vui chơi với bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh còn tỏ ra lo lắng khi gửi con ở bán trú.
* Lo lắng về điều kiện ăn, ở
Một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mặc dù nhà ở gần trường nhưng do điều kiện công việc nên vợ chồng anh không thể đón con từ trường về nhà, cho ăn trưa rồi chăm giữ ở nhà vào các buổi chiều. Vì thế, vợ chồng anh đã gửi con ở bán trú nhà cô từ trưa đến cuối giờ chiều (từ thứ hai đến thứ sáu) với số tiền là 750 ngàn đồng/tháng, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Phụ huynh này chia sẻ, gửi con ở nhà cô, vợ chồng đều yên tâm vì có người trông giữ, kèm cặp phụ đạo. Sau mỗi lần ở nhà cô về, cháu có thể tự mình làm được một số việc đơn giản mà không cần phải cha mẹ làm giúp như trước kia. “Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và rất sợ trẻ nữ bị xâm hại” - phụ huynh này bộc bạch.
Quyết định số 25/2013 của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu đề xuất UBND cấp huyện ban hành quy định về quản lý học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa. Đồng thời phòng tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện và cấp giấy phép; gia hạn, thu hồi giấy phép và đình chỉ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường nội dung chương trình tiểu học, THCS. |
Một phụ huynh khác có con học lớp 2, Trường tiểu học Trảng Dài thì bày tỏ hàng tháng, phụ huynh đóng cho giáo viên chủ nhiệm 800 ngàn đồng tiền ăn trưa, tiền xe đưa đón từ nhà cô giáo đến trường và được cô giáo phụ đạo. Phụ huynh chia sẻ: “Đầu năm học, tôi cùng các phụ huynh khác đã làm đơn xin cho con được ở bán trú nhà cô vì không có thời gian chăm sóc. Gửi con ở nhà cô mặc dù rất yên tâm, nhưng điều tôi lo ngại là số trẻ quá đông (46 em) mà căn phòng các cháu ở, chơi, học bài lại quá nhỏ. Tôi lo sợ diện tích và ánh sáng không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu sau này”.
* Tăng cường quản lý
Theo quy định, giáo viên muốn giữ trẻ ngoài giờ phải đăng ký với ban giám hiệu nhà trường. Việc giữ trẻ ngoài giờ của giáo viên do hiệu trưởng và ban chấp hành Công đoàn trường quản lý. Trong một văn bản mới đây của Sở GD-ĐT gửi các phòng GD-ĐT, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp và những đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các khoản thu, các chính sách đối với người học trong nhà trường năm học 2015-2016 có nêu rõ: “Về tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi, nhà cung cấp... đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi (có biên bản thỏa thuận cụ thể)”. Tuy nhiên, trên thực tế mức thu tiền ăn, chăm sóc bán trú đều do giáo viên tự đặt ra tùy thuộc vào điều kiện tình hình, như: khoảng cách từ nhà giáo viên đến trường, số lượng học sinh... Về thực phẩm cung cấp cho bữa ăn của trẻ, hầu hết đều do giáo viên và người nhà giáo viên tự túc lo liệu.
Năm 2014, trong một đợt kiểm tra về công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.Biên Hòa, đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã tiến hành kiểm tra ở một số địa điểm giữ trẻ bán trú của giáo viên. Qua kiểm tra, cho thấy ở một số điểm giữ trẻ bán trú chưa có hộp lưu mẫu thực phẩm bữa ăn của học sinh. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào bị ngộ độc thực phẩm hay dị ứng với thức ăn tại nhà giáo viên, nhưng cán bộ Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học phải tăng cường quản lý những vấn đề liên quan đến việc ăn, ở bán trú của học sinh, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn thân thể cho học sinh.
Cũng tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Sở GD-ĐT, Phó phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng cho biết, toàn thành phố có 53 trường tiểu học đã đăng ký giữ trẻ ngoài giờ, có 10 trường không đăng ký, 4 trường học 2 buổi. Hàng tháng, phòng đều nhắc nhở các trường tiểu học chú ý thực hiện nghiêm những quy định của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm, giữ trẻ ngoài giờ, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hạnh Dung