Bác sĩ Vũ Xuân Hoàng Trí, Phó khoa ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết phần lớn các trường hợp bỏng nhập viện do nổ bình gas đều là do sử dụng bếp gas mini. Đã có không ít những tai nạn thương tâm bắt nguồn từ đó.
Bác sĩ Vũ Xuân Hoàng Trí, Phó khoa ngoại - chấn thương chỉnh hình, bỏng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết phần lớn các trường hợp bỏng nhập viện do nổ bình gas đều là do sử dụng bếp gas mini. Đã có không ít những tai nạn thương tâm bắt nguồn từ đó.
Thăm khám cho trẻ bị bỏng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Theo bác sĩ Trí, bên cạnh việc lưu ý sử dụng bếp gas đảm bảo an toàn thì người dân cũng cần biết cách sơ cứu tai nạn do bỏng, vì mức độ tổn thương của bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc rất nhiều vào việc xử trí ban đầu. Sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân bỏng tránh hay giảm được tối thiểu biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tùy nguyên nhân gây bỏng sẽ có cách sơ cứu khác nhau, nhưng nguyên tắc chung vẫn là:
- Làm nguội vết bỏng bằng nước sạch: Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Lưu ý, không dùng nước đá để hạ nhiệt vết bỏng, vì vùng da bị bỏng nếu gặp nước quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn.
- Không chữa bỏng bằng kinh nghiệm dân gian: Khi xảy ra bỏng, người nhà bệnh nhân rất hay sử dụng những kinh nghiệm chữa bỏng dân gian như bôi kem đánh răng, đổ nước mắm vào, bôi lòng trắng trứng, mỡ trăn… vào vết bỏng. Thực tế điều trị cho thấy những cách chữa bỏng này chẳng những không giảm bớt mà còn làm vết bỏng nặng thêm.
- Bệnh nhân bỏng thường bị mất nước qua vết bỏng, giảm lượng máu lưu thông nên bệnh nhân rất dễ bị sốc nặng. Để phòng chống sốc cho bệnh nhân nên bù dịch càng nhanh càng tốt, cách đơn giản nhất là cho uống nước, đặc biệt là nước Oresol, nước khoáng…
- Bỏng do nước sôi: Khi sơ cứu bệnh nhân bỏng do nước sôi, không cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị bỏng mà ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước sạch trong thời gian từ 15-20 phút. Sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc hoặc băng ép nhẹ loại vô trùng, rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không bôi bất kỳ loại thuốc hay chất gì lên vết bỏng.
- Bỏng do lửa cháy: Nên dùng nước hoặc cát dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (tuyệt đối không dùng vải nhựa, ny-lông). Cắt bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm dầu hay các dung dịch hóa chất. Không kéo xé quần áo, vật dụng bám dính trên vết thương sẽ làm cho phần da bị bỏng lột theo khiến vết thương sâu hơn. Nhanh chóng làm mát vùng bỏng bằng nước sạch. Sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc hoặc băng ép nhẹ loại vô trùng, rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Bỏng do điện giật: Nhanh chóng tách, ngắt nguồn điện. Khi tách nguồn điện không sử dụng tay không hay trực tiếp sờ vào nạn nhân, hãy sử dụng gậy khô, vật dụng cách điện để tách nguồn điện. Để bệnh nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, kiểm tra mạch, nhịp thở bệnh nhân. Nếu tim bệnh nhân ngừng đập, suy hô hấp, phải tiến hành hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ cho nạn nhân. Tại vết thương có thể đắp gạc, băng che phủ vết thương. Khi nào tim đập lại mới đưa đi cấp cứu, trên đường vận chuyển tiếp tục hồi sức.
Cấp cứu bỏng tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải khẩn trương, linh hoạt và đúng cách. Người cấp cứu thành thạo có thể giúp bệnh nhân bỏng hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hoài An (ghi)