Vào tháng 6-2015, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán (huyện Định Quán) xảy ra một ca tử vong sơ sinh. Nguyên nhân do việc xử trí, can thiệp đối với sản phụ chưa kịp thời; công tác hồi sức sơ sinh chưa đảm bảo khiến trẻ bị ngạt nặng sau sinh.
Vào tháng 6-2015, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán (huyện Định Quán) xảy ra một ca tử vong sơ sinh. Nguyên nhân do việc xử trí, can thiệp đối với sản phụ chưa kịp thời; công tác hồi sức sơ sinh chưa đảm bảo khiến trẻ bị ngạt nặng sau sinh.
Một trong những nguyên nhân tử vong sơ sinh do trẻ sinh cực non và sinh non. Trong ảnh: Điều dưỡng khoa sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chăm sóc cho một trẻ sinh cực non. |
Đó là con của sản phụ Trần Thị Tỏ, ở ấp 5, xã La Ngà. Theo phân tích của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế, trong quá trình chuyển dạ chị Tỏ bị suy tim thai, tuy nhiên do trình độ của hộ sinh còn hạn chế nên việc theo dõi, phát hiện chưa kịp thời để báo cho bác sĩ. Đối với trường hợp này, nếu chỉ định mổ lấy thai sớm có thể cứu được thai nhi thay vì dùng thủ thuật hút, làm thời gian sinh kéo dài gây tai biến ngạt nặng cho thai nhi.
* Tử vong sơ sinh còn nhiều
Trường hợp nói trên chỉ là một trong hàng chục trẻ sơ sinh (từ 0-4 tuần tuổi) tử vong trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo số liệu của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh (thuộc Sở Y tế), 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 21 ca tử vong sơ sinh (tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2014). Tuy nhiên, theo thống kê của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượng trẻ tử vong sơ sinh lên đến 47 ca (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2014), chỉ tính riêng trong tháng 6 đã có 14 ca tử vong sơ sinh.
Tai biến sản khoa tăng Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh không xảy ra tử vong mẹ. Tuy nhiên số ca tai biến sản khoa tăng, có 41 ca (tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2014). Nguyên nhân chủ yếu do băng huyết, sản giật, uốn ván rốn, nhiễm trùng sau sinh mổ, vỡ tử cung. |
Lý giải cho nguyên nhân có sự chênh lệch số liệu nói trên, bác sĩ Mai Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, cho rằng hiện nay số liệu tử vong sơ sinh từ các địa phương báo cáo về trung tâm chưa đầy đủ. Vì nhiều ca tử vong sơ sinh thực tế từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đưa xuống xã, phường xác minh được trả lời không tìm được tên theo địa chỉ đăng ký với bệnh viện. “Như vậy chất lượng thu thập số liệu chưa chính xác cần được quan tâm cải thiện. Tình trạng tử vong sơ sinh còn nặng nề, cần có giải pháp khắc phục để hạn chế số trẻ sơ sinh tử vong trong năm 2015 “ - bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Bác sĩ Trần Thị Bích Thủy, Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết những năm gần đây nguyên nhân gây tử vong sơ sinh có nhiều thay đổi. Nếu như năm 2009, trẻ sơ sinh tử vong chủ yếu do sinh non dưới 37 tuần chiếm trên 34% tổng số ca tử vong, nhiễm trùng sơ sinh chiếm trên 34%, ngạt khi sinh gần 16%, thì trong những năm gần đây chủ yếu do sinh cực non dưới 27 tuần và sinh non.
* Thiếu bác sĩ sản nhi
Theo một số bác sĩ chuyên khoa sản và nhi của tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sinh cực non và sinh non phần lớn là do thai phụ chưa quan tâm đến việc khám thai thường xuyên nên không có biện pháp phòng tránh các nguy cơ sinh cực non, sinh non. Ngoài ra, nhiều người cũng không làm các sàng lọc sơ sinh, không tiêm ngừa uốn ván, không làm các xét nghiệm thông thường để phát hiện sớm các bất thường có thể dẫn đến các tai biến sản khoa, cũng như các tai biến cho trẻ khi được sinh ra. Phần lớn các ca tử vong sơ sinh đều là con của những phụ nữ sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các khoa sản Theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, để hạn chế tình trạng tử vong sơ sinh và tai biến sản khoa, về giải pháp lâu dài vẫn là bổ sung nguồn nhân lực bác sĩ sản và nhi cho các bệnh viện, đặc biệt là tuyến cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt các bệnh viện phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh trong cấp cứu sơ sinh. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, hỗ trợ chỉ dẫn cách cấp cứu qua điện thoại. |
Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nhân lực bác sĩ sản và nhi cũng khiến cho tình trạng tử vong sơ sinh gia tăng. Bác sĩ Trần Thị Bích Thủy cho biết, cấp cứu sơ sinh là một kỹ thuật cấp cứu chuyên biệt, nếu không được đào tạo sẽ rất khó thực hiện, nhất là kỹ thuật cấp cứu về hô hấp, vì trẻ sơ sinh bị ngạt sau sinh nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nhanh suy hô hấp dẫn đến tử vong; khi chuyển viện có cứu sống cũng để lại những di chứng nặng nề về thần kinh, do não thiếu oxy quá lâu.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết về nguyên tắc, tại các khoa sản của các bệnh viện đều phải có các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh và các thiết bị cấp cứu sơ sinh để cấp cứu kịp thời những trường hợp trẻ sinh ra bị ngạt hay gặp các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến huyện chưa thành lập được bộ phận này, công tác cấp cứu sơ sinh chủ yếu do bác sĩ sản của bệnh viện thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Do đó, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cần thành lập tổ cấp cứu sơ sinh ngoại viện để hỗ trợ các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến dưới khi xảy ra các ca bệnh khó.
Đặng Ngọc