Báo Đồng Nai điện tử
En

Sau 3 ngày thi THPT quốc gia: Nhiều thí sinh đã hoàn thành kỳ thi

02:07, 04/07/2015

Hôm 4-7 là ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Thí sinh dự thi 2 môn còn lại là Lịch sử và Sinh học. Kết thúc 6 môn thi, nhiều thí sinh đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành tốt kỳ thi...

Hôm nay 4-7 là ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Thí sinh dự thi 2 môn còn lại là Lịch sử và Sinh học. Kết thúc 6 môn thi trong 3 ngày trước đó, nhiều thí sinh đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành tốt kỳ thi của mình.

Thí sinh bước vào phòng thi môn Địa lý tại điểm thi Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom. Ảnh: Nga Sơn
Thí sinh bước vào phòng thi môn Địa lý tại điểm thi Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom. Ảnh: Nga Sơn

Với đề Ngữ văn và đề Địa lý thi theo hình thức tự luận, nhiều giáo viên và đông đảo thí sinh đánh giá Bộ GD-ĐT ra đề hay, gần gũi với cuộc sống. Nhiều thí sinh có cơ hội “phóng bút” và nêu lên suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về những nội dung được hỏi trong bài thi.

ĐỀ THI MANG HƠI THỞ CUỘC SỐNG

Biển đảo, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc và cuộc sống của những người lính đảo được đưa vào đề thi môn Ngữ văn như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết trân trọng, yêu thương và nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. “Những người lính đảo sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình để hiến dâng cho Tổ quốc khiến em vô cùng xúc động. Qua bài thi của mình, em muốn gửi tới những người lính đảo sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với những việc họ đã, đang làm” - thí sinh Lê Thị Thanh Huyền (Trường THPT Thanh Bình), thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đặt ra vấn đề về bệnh vô cảm, bạo lực trong xã hội hiện nay, đề thi một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua. TS.Đậu Thành Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Dầu Giây (huyện Thống Nhất), bày tỏ: “Sự thay đổi trong cách ra đề môn Ngữ văn là một bước tiến lớn đối với ngành GD-ĐT. Đề bài không yêu cầu thí sinh phải học vẹt mà cần các em nắm vững được kiến thức, biết liên hệ với đời sống thực tiễn. Nói cách khác, đề Ngữ Văn năm nay không đơn thuần chỉ là những yêu cầu về văn chương thuần túy mà đã mang đậm hơi thở cuộc sống, đã chỉ ra cho các em học sinh thấy được những vấn đề gì xã hội đang quan tâm. điều gì cần được trân trọng, lan tỏa, điều gì cần phải lên án loại bỏ”.

Đề thi Địa lý cũng được đánh giá là khá dễ, nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi khi mới hết 2/3 thời gian. Thí sinh Vũ Anh Đức thi tại điểm Trường THPT Đoàn Kết (huyện Tân Phú) cho hay: “Nhìn chung đề các môn thi vừa sức, riêng đề Địa lý có nhiều câu hỏi rất dễ, chỉ cần biết sử dụng Atlat là có thể làm bài tốt. Em rất thích câu hỏi số 4 yêu cầu giải thích việc khai thác tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Bởi đây là kiến thức em đã được học rất kỹ qua sách vở, các phương tiện thông tin đại chúng…”.

HƠN 8 NGÀN THÍ SINH ĐÃ HOÀN THÀNH KỲ THI

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong ngày 4-7, tại cụm thi địa phương, chỉ còn hơn 1 ngàn thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử và 984 thí sinh đăng ký dự thi môn Sinh học. Như vậy, đã có hơn 8 ngàn thí sinh dự thi tại cụm địa phương đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chỉ để xét công nhận tốt nghiệp.

Thí sinh tại điểm Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Phú tươi cười rạng rỡ vì làm bài thi môn Địa lý tốt.
Thí sinh tại điểm Trường THPT Đoàn Kết, huyện Tân Phú tươi cười rạng rỡ vì làm bài thi môn Địa lý tốt.

Thí sinh Ngô Minh Nhật Huy, Trường THPT Điểu Cải (huyện Định Quán) dự thi tại cụm địa phương với 4 môn Văn, Toán, Tiếng Anh và Hóa học. Như vậy, kết thúc ngày thi thứ 3, Nhật Huy đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành kỳ thi quan trọng. Huy cho biết: “Em làm bài cũng tạm được, dự kiến mỗi môn được khoảng 5-6 điểm. Sau khi có bằng tốt nghiệp, em sẽ đăng ký xét tuyển vào trường cao đẳng nào đó tại TP.Hồ Chí Minh hoặc ở Biên Hòa để tiếp tục học lên”.

Với thí sinh Tào Thị Ngọc Linh (Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Cửu), kỳ thi đã kết thúc từ sau buổi chiều thi môn Vật lý. Linh cho biết: “Em dự thi để mong lấy được bằng tốt nghiệp THPT, vì trước đó em đã hoàn thành chương trình trung cấp dược, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai. Em phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới lấy được bằng trung cấp”.

Trong khi đó, do không tự tin vào lực học của mình nên nhiều thí sinh không dám đăng ký thi tại cụm thi đại học mà chỉ dám đăng ký thi ở cụm địa phương. Sau khi hoàn thành các môn thi đã đăng ký, thí sinh Ngô Thị Thanh Nga, dự thi tại điểm Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) tỏ ra tiếc nuối: “Em thấy đề thi các môn Văn, Toán, Tiếng Anh, Địa lý đều khá dễ, em có thể làm được từ 6 - 8 điểm. Em tiếc là mình đã không đủ tự tin để đăng ký thi tại cụm đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ cố gắng ôn thi tiếp để sang năm có thể thi vào một trường đại học mà mình thích”.

Còn với em Lê Thị Phương Anh, Trường THPT Đắk Lua (huyện Tân Phú), dù chỉ thi 4 môn nhưng em phải chờ hết buổi thi ngày 4-7 mới hoàn thành kỳ thi, vì 4 môn mà Phương Anh thi là Văn, Toán, Địa lý và Sinh học. Tham dự kỳ thi này, Phương Anh cùng với 29 thí sinh trong trường đã vượt quãng đường hơn 80km từ xã Đắk Lua ra thị trấn Tân Phú dự thi tại điểm Trường THPT Đoàn Kết. “Do cha mẹ em ở TP.Hồ Chí Minh, ông bà nội lại già yếu nên từ ngày 28-6, em chủ động bắt xe đò từ xã Đắk Lua ra huyện, ở nhờ nhà cô chú cách điểm thi 9km để dự thi. Em tính sau khi đậu tốt nghiệp sẽ nộp hồ sơ học trung cấp mầm non. Ước mơ của em là được trở thành một cô giáo dạy trẻ” - Phương Anh chia sẻ.

Theo ghi nhận tại các điểm thi, trong 3 ngày qua đều đảm bảo an toàn cho các điểm thi và thí sinh. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng điểm thi Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom), cho biết trong 3 ngày thi, tại điểm thi không có trường hợp cán bộ, thí sinh nào vi phạm quy chế. Tất cả thí sinh thực hiện nghiêm mọi quy định và an tâm làm bài.

Tại điểm thi duy nhất của huyện Vĩnh Cửu đặt tại Trường THPT Vĩnh Cửu trong buổi thi môn Vật lý chiều 2-7, mặc dù chỉ có 10 thí sinh dự thi nhưng lực lượng cán bộ, giám thị, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài điểm thi đều có mặt đầy đủ và làm nhiệm vụ nghiêm túc. “Đề phòng trời mưa gió thổi bay bài làm của thí sinh, vào các buổi chiều có mưa, tôi đã chỉ đạo các giám thị đóng hết cửa sổ các phòng thi, đảm bảo bài thi của thí sinh an toàn, không bị nước mưa làm nhòe ướt” - ông Phan Ngọc Hồng, Trưởng điểm thi Trường THPT Vĩnh Cửu, cho hay.

1 thí sinh bị đình chỉ thi

Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong buổi thi môn Địa lý sáng 3-7, tại điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên (huyện Trảng Bom) có 1 trường hợp thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên của Trường đại học Lâm nghiệp cơ sở 2 bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. Đây là trường hợp thí sinh duy nhất bị đình chỉ thi trong suốt 3 ngày thi vừa qua. Ngoài ra, còn có 1 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) trên đường đi thi bị tai nạn giao thông, không thể dự thi. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo điểm thi làm hồ sơ xét đặc cách cho thí sinh đó để nộp về Sở GD-ĐT. Theo đó, Sở sẽ xem xét, nếu những môn thi trước đó của thí sinh này đều đạt từ 5 điểm trở lên thì sẽ được đặc cách tốt nghiệp THPT; nếu trong số các môn thi trước đó có 1 môn dưới điểm 5 thì thí sinh đó không được xét đặc cách.

Số lượng thí sinh bỏ thi trong 2 ngày vừa qua như sau: Môn Ngữ văn có 84 thí sinh bỏ thi (76 thí sinh bỏ thi không lý do). Điểm thi có nhiều thí sinh bỏ thi nhất là điểm Trường THPT Đoàn Kết (huyện Tân Phú) với 10 em.

Môn Vật lý có 10 thí sinh bỏ thi không lý do/1.400 thí sinh đăng ký dự thi. Có những điểm thi chỉ có 3 thí sinh dự thi như: điểm thi Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), điểm thi Trường THPT Đoàn Kết (huyện Tân Phú, 4 thí sinh), điểm thi Trường THPT Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ, 5 thí sinh).

Môn Địa lý có 71 thí sinh bỏ thi không lý do/7.514 thí sinh đăng ký thi. Môn Hóa học có 15 thí  sinh bỏ thi không lý do/2.569 đăng ký thi.

H.D-N.T

Hạnh Dung - Nguyễn Tuyết

 

 

Tin xem nhiều