Báo Đồng Nai điện tử
En

Phốc, Phi và những ước mơ

11:07, 24/07/2015

Ở xã Bàu Hàm của huyện Trảng Bom, hai anh em ruột Lỷ Lày Phốc và Lỷ Ngọc Phi được mọi người biết đến như những tấm gương sáng "tàn nhưng không phế" vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học giỏi sống tốt.

Ở xã Bàu Hàm của huyện Trảng Bom, hai anh em ruột Lỷ Lày Phốc và Lỷ Ngọc Phi được mọi người biết đến như những tấm gương sáng “tàn nhưng không phế” vượt qua nghịch cảnh, vươn lên học giỏi sống tốt.

Được mẹ đẩy xe lăn từ trong phòng học ra ngoài khi có thầy giáo cũ đến thăm, Lỷ Lày Phốc reo lên vui mừng rồi nói ngay: “Em muốn đi học lại quá thầy ơi. Em muốn trở thành một lập trình viên thật giỏi, muốn làm điều gì đó có ích”.

* Học để thực hiện ước mơ

Trong khi nói chuyện, đôi mắt đen sáng của Phốc luôn hướng về người thầy. Phốc chia sẻ với thầy giáo những dự định đang ấp ủ, như: tìm hiểu sâu hơn về các ngôn ngữ lập trình, viết một chương trình về một trò chơi có sức lôi cuốn, hấp dẫn nhiều người…

Anh em Lỷ Lày Phốc (trái) và Lỷ Ngọc Phi .
Anh em Lỷ Lày Phốc (trái) và Lỷ Ngọc Phi .

Phốc năm nay tròn 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS - THPT Bàu Hàm, sẽ không thể tiếp tục đi học vì bị teo cơ từ nhỏ, mọi sinh hoạt, đi lại phải nhờ vào cha mẹ. Nếu Phốc đi học xa nhà thì còn một em trai cũng bị teo cơ và 2 em gái đang còn nhỏ sẽ không có ai chăm sóc.

Sau 2 năm nghỉ học ở nhà mà theo Phốc nói là “ở nhà dưỡng sức để chiến đấu lâu dài”, tinh thần ham học hỏi trong Phốc lại trỗi dậy. Khát khao cháy bỏng được đến trường, gặp bạn bè, học hỏi những điều hay, mới lạ hiển hiện trong ánh mắt, cử chỉ của Phốc.

“Phốc thông minh và rất ham học, đặc biệt là môn Tin học. Khi còn ở trường, chưa có tiết thực hành Tin học nào em vắng mặt dù phòng máy đặt trên tận tầng 4. Đến tiết học, các bạn cùng lớp lại thay nhau bế Phốc lên. Phốc học không thua kém ai, thậm chí trong 2 lần nhà trường tổ chức cuộc thi đánh cờ tướng, Phốc đã loại hết đối thủ này đến đối thủ khác và giành giải quán quân” - thầy Lê Văn Dĩnh, Bí thư Đoàn trường THCS - THPT Bàu Hàm, tự hào chia sẻ.

Hàng ngày, ngoài việc tự học trên mạng, đọc sách báo, giúp đỡ em trai học bài hay nghe nhạc, chơi cờ để thư giãn, Phốc còn giúp mẹ một số việc lặt vặt như nhặt rau, vo gạo. Phốc luôn ý thức được trách nhiệm của người anh cả trong gia đình, không chỉ học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi mà còn là tấm gương để các em học tập, noi theo.

* Ưa khám phá

Không sôi nổi như anh trai, Lỷ Ngọc Phi (16 tuổi, lớp 9A1 Trường THCS-THPT Bàu Hàm) lại khiến người đối diện phải trầm tư. Suốt 16 năm, chưa có lúc nào Phi được ngồi thẳng lưng vì cột sống bị vênh. Nhìn đôi chân, bàn tay teo tóp, gầy còm, không cử động được, ít ai ngờ em lại có thành tích học tập đáng nể. Suốt 7 năm, Phi luôn là học sinh giỏi. Trong năm học lớp 8, dù phải nghỉ học 2 tuần vì bệnh phổi hành hạ, Phi vẫn cố gắng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến với điểm tổng kết 7,6. Riêng môn Tiếng Anh, em được 8,8 điểm.

Chưa bao giờ Phốc và Phi cảm thấy tự ti, mặc cảm vì thân hình của mình, bởi với 2 anh em, được cha mẹ sinh ra trên đời đã là một hạnh phúc lớn. Phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha mẹ, thầy cô, bạn bè dành cho mình, không bao giờ được buông xuôi và nản chí.

Phi trở thành tấm gương sáng về nghị lực phi thường và tinh thần ham học hỏi cho các bạn cùng trang lứa. Lớp trưởng Trần Thanh Dũng bộc bạch: “Phi ít nói nhưng sống rất tình cảm, luôn hòa nhã với mọi người. Bạn rất chăm chỉ học tập, có những đợt Phi không thể cầm bút viết được, nhưng vẫn đến lớp để lắng nghe cô giáo giảng bài. Trừ khi nào bệnh nặng quá Phi mới phải nghỉ học”.

Bạn bè trong lớp rất yêu quý Phi và thường xuyên giúp đỡ những lúc Phi cần. Do không thể cầm bút viết liên tục nên đến giờ kiểm tra, các giáo viên lại ra một đề riêng là những câu hỏi trắc nghiệm để Phi khoanh tròn đáp án. Nếu Tin học mở ra cho anh Phốc những điều hấp dẫn, mới lạ của sự sáng tạo, thì tiếng Anh lại mở ra cho Phi một chân trời đầy mơ ước. “Khám phá một loại ngôn ngữ mới và làm chủ nó, sử dụng nó để học, biết thêm về những điều hay trên thế giới là động lực giúp em không ngừng học Anh văn. Ngoài sách vở, em còn học Anh văn qua mạng, qua các bộ phim hoạt hình và đặc biệt là âm nhạc” - Phi chia sẻ.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều