Hiện nay, thu nhập từ tiền lương của công nhân, nhất là những công nhân nhập cư vào Đồng Nai làm việc còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, với nhiều công nhân nữ, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), như: khám tiền sản, phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm là một điều xa xỉ.
Hiện nay, thu nhập từ tiền lương của công nhân, nhất là những công nhân nhập cư vào Đồng Nai làm việc còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, với nhiều công nhân nữ, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), như: khám tiền sản, phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm là một điều xa xỉ.
Chị T.Đ., công nhân một công ty dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa), cho hay thường chỉ khi nào bệnh nặng, không chịu được nữa chị mới đi khám bệnh chứ chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, nhất là SKSS.
* “Sợ” đi khám bệnh
Chị Đ. cho hay, công ty có quy định ngoài 12 ngày phép năm, nếu công nhân nghỉ quá 5 ngày/năm dù có chứng nhận của bác sĩ vẫn không được tăng lương trong năm tiếp theo. Do đó, phần lớn công nhân phải quy đổi ngày nghỉ theo chứng nhận của bác sĩ thành ngày nghỉ phép để tránh rắc rối phải trừ lương, ảnh hưởng đến thu nhập. Vì vậy, khi có bệnh, chị thường mua thuốc ở tiệm thuốc uống. Với bệnh viêm nhiễm phụ khoa, tự mua thuốc uống rất khó hết nên khi khó chịu lắm chị mới đến cơ sở y tế để khám và xét nghiệm để xác định được bệnh.
Nếu công nhân có yêu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bác sĩ của phòng y tế Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) thường cho chuyển đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản. |
Ngoài thời gian, chi phí khám SKSS cũng là một vấn đề khiến chị em công nhân còn đắn đo. Chị K.L., công nhân một công ty giày ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, cho biết hàng năm chị chỉ khám sức khỏe định kỳ do công ty cho đi khám. Tuy nhiên, khám sức khỏe định kỳ thường rất qua loa, không có bác sĩ chuyên khoa sản khám và tư vấn các vấn đề về chăm sóc SKSS. Do đó, khi bị bệnh chị thường đến phòng y tế của công ty xin chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa khám. Còn việc khám sàng lọc ung thư vú, ung thư tử cung, chị chưa bao giờ làm vì chi phí cho việc khám sàng lọc này không nhỏ, trong khi bảo hiểm y tế không thanh toán.
Tại buổi làm việc với Đồng Nai về thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, Pháp lệnh Dân số và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đã đề nghị Đồng Nai quan tâm chăm sóc SKSS cho công nhân ở các khu công nghiệp. Theo đó, cần tìm một mô hình cho phù hợp nhằm đưa các dịch vụ chăm sóc SKSS, tư vấn SKSS đến tận các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của công nhân, giảm tình trạng nạo hút thai, nâng cao chất lượng dân số. |
Bên cạnh đó, có nhiều công nhân nữ mang thai nhưng không đi khám thai định kỳ, nhiều người làm việc quá sức, làm việc cả ca đêm, không đảm bảo sức khỏe thai sản. Cụ thể như trường hợp chị N.H. cũng làm việc ở công ty dệt nhuộm ở Khu công nghiệp Long Bình, dù mang thai gần 6 tháng nhưng vẫn phải đi làm ca đêm. Thời gian mang thai, chị bị nghén, rất mệt mỏi nhưng vẫn gắng sức đi làm đêm, không dám xin chuyển sang làm hành chính vì sợ quản lý “để ý”.
* Dịch vụ còn xa công nhân
Bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 844 ngàn lao động, trong đó khoảng 60% là lao động nhập cư, lao động nữ chiếm đến 67%. Trong tỉnh cũng đã triển khai một số chương trình chăm sóc SKSS đến 5 công ty đối tác của Nike và 3 nhà máy của Tập đoàn Phong Thái ở huyện Trảng Bom với khoảng 100 ngàn lao động được hưởng lợi. Ngoài ra, mỗi năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh tổ chức từ 3-5 buổi tuyên truyền kiến thức về chăm sóc SKSS tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay là “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Theo đó, các hoạt động được chuẩn bị ứng phó nếu thiên tai xảy ra gồm giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó; khuyến khích sự tham gia của thanh niên, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Rà soát các chính sách và luật pháp quốc gia liên quan tới việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục; tạo lập mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thanh niên, thiếu niên với các dịch vụ khác như sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục… |
Tuy nhiên, bà Phước Mạnh cũng thừa nhận các chương trình được triển khai tới công nhân như “muối đổ biển”. Qua thực tế các chương trình chăm sóc SKSS tại các nhà máy cho thấy, nhu cầu của công nhân nữ, nhất là công nhân trẻ về chăm sóc SKSS là rất lớn. Song, do thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình, thiếu hiểu biết về SKSS, giới tính, bảo hiểm y tế lại không bao gồm các dịch vụ chăm sóc SKSS; sợ tốn kém. Các dịch vụ chăm sóc SKSS còn xa các khu công nghiệp nên công nhân rất khó tiếp cận, dẫn đến không ít trường hợp việc mang thai ngoài ý muốn…
Bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh, cho biết dù nhu cầu chăm sóc SKSS ở các khu công nghiệp rất lớn nhưng đa phần các cơ sở y tế trong doanh nghiệp chưa cung cấp đủ các dịch vụ chăm sóc SKSS. Hiện nay, tỉnh chưa mở các trung tâm chăm sóc SKSS về các khu công nghiệp là do thiếu kinh phí và nhân lực. Nhiệm vụ của trung tâm vừa làm công tác chỉ đạo tuyến cho toàn tỉnh về chăm sóc SKSS vừa triển khai khám, chữa bệnh chuyên khoa tại trung tâm nên không có con người để triển khai thực hiện.
An An