Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó thu hút bác sĩ

09:07, 06/07/2015

3 năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ và thu hút đối với nhân viên y tế theo nghị quyết của HĐND tỉnh, ngành vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng biên chế còn thiếu, nhất là biên chế bác sĩ, trong khi đó số bác sĩ nghỉ việc mỗi năm lại gia tăng.

3 năm qua, thực hiện chính sách hỗ trợ và thu hút đối với nhân viên y tế theo nghị quyết của HĐND tỉnh, ngành vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng biên chế còn thiếu, nhất là biên chế bác sĩ, trong khi đó số bác sĩ nghỉ việc mỗi năm lại gia tăng.

Bác sĩ Đỗ Hải An tốt nghiệp theo chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh đã được bố trí công tác tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
Bác sĩ Đỗ Hải An tốt nghiệp theo chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh đã được bố trí công tác tại Khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.

Hiện Đồng Nai mới đạt 6,7 bác sĩ/vạn dân, trong khi cả nước đã lên 7,5 bác sĩ/vạn dân. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các chính sách hỗ trợ và thu hút đối với nhân viên y tế, nhưng thực tế số lượng bác sĩ hiện nay chưa đáp ứng được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra là đạt 8 bác sĩ/vạn dân.

* Thiếu hụt biên chế bác sĩ

Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Hà Đức Minh cho biết theo kế hoạch, trong năm 2015 toàn ngành phải bổ sung thêm 350 bác sĩ để đạt chỉ tiêu 7,2 bác sĩ/vạn dân, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ do không có nguồn. Trong 3 năm thực hiện chế độ thu hút của HĐND tỉnh (từ 2012-2014), ngành y tế mới thu hút được 132 bác sĩ. Có nhiều bệnh viện, trung tâm nằm trong danh sách các đơn vị được thu hút từ nguồn ngân sách tỉnh, nhiều năm liền không tuyển được bác sĩ, như: Bệnh viện phổi Đồng Nai, Bệnh viện da liễu Đồng Nai và các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, huyện.

Theo chính sách hỗ trợ và thu hút nhân viên y tế của HĐND tỉnh, các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y khi về công tác tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh sẽ được hưởng chế độ thu hút một lần theo trình độ và đơn vị công tác. Mức hỗ trợ đối với bác sĩ chuyên khoa cấp I về bệnh viện tuyến tỉnh và bác sĩ về bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện là 50 triệu đồng/người. Đối với bác sĩ về các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ 70 triệu đồng/người. Ngoài ra, các cán bộ y tế này còn được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định.

 Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ cũng phải 10 năm rồi, bệnh viện mới tuyển thêm được một bác sĩ chuyển công tác từ tỉnh Thanh Hóa vào làm việc. Hiện nay bệnh viện vẫn còn thiếu ít nhất là 10 biên chế bác sĩ để triển khai thêm các hoạt động khác, như: điều trị lao kháng thuốc, phụ trách công tác chỉ đạo tuyến, tham gia khám bệnh tại các khoa, phòng... Vừa qua, nghe tin Sở Y tế phân công một bác sĩ hệ đào tạo theo địa chỉ về bệnh viện làm việc ai cũng mừng, thế nhưng chờ mãi không thấy bác sĩ này đến nhận việc.

Ngoài ra, theo một số đơn vị trong ngành y, một trong những nguyên nhân bác sĩ chưa mặn mà về làm việc tại Đồng Nai là do chế độ thu hút chưa thật sự “hấp dẫn”. Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng phòng tổ chức hành chính Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, phân tích: “Năm đầu tiên, một bác sĩ mới ra trường về làm việc tại trung tâm chỉ có thu nhập vỏn vẹn khoảng 3 triệu đồng/tháng, vì đây là giai đoạn tập sự, không được hưởng phụ cấp cũng như các chế độ thu hút khác. Sau 1 năm tập sự, vào biên chế mới được hưởng chế độ thu hút cũng như hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng. Do mức thu nhập khởi điểm khá thấp, các bác sĩ ở tỉnh khác đến còn tốn thêm chi phí thuê nhà nên nhiều bác sĩ sau khi đến tìm hiểu đã bỏ ý định xin việc tại đây. Từ năm 2012 đến 2014, trung tâm chỉ thu hút được 6 bác sĩ thì đến nay đã có 3 bác sĩ xin nghỉ việc”. 

* Đào tạo theo địa chỉ còn vướng mắc

Hiện nay, nguồn nhân lực  y tế được trông đợi là các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y được đào tạo từ chương trình đào tạo theo địa chỉ của tỉnh. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chưa thu hút được các thí sinh thi đậu hệ chính quy tham gia mà chủ yếu vẫn là những trường hợp thiếu điểm chuẩn thi vào trường y được tỉnh lựa chọn cử đi học.

Chỉ trong 2 năm 2013 - 2014 toàn tỉnh đã có 73 bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng nguyên nhân chính khiến các bác sĩ bệnh viện công lập nghỉ việc là do kinh tế nhiều hơn là do môi trường làm việc. Các bệnh viện có số lượng bác sĩ nghỉ việc nhiều là: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Điều đáng nói, ngay khóa đào tạo theo địa chỉ đầu tiên tốt nghiệp thì có 6/47 người, trong đó có 4 bác sĩ, 2 dược sĩ không nhận quyết định phân công công tác và có nguyện vọng xin đền bù gấp 3 lần tiền học phí tỉnh bỏ ra đào tạo. Hiện Sở Y tế chưa giải quyết cho trường hợp nào đền bù chi phí đào tạo mà tiếp tục động viên để các trường hợp này nhận quyết định phân công làm việc.

Bên cạnh đó, trong quá trình phân công công tác cho các bác sĩ đào tạo theo địa chỉ về làm việc tại các bệnh viện tuyến huyện cũng còn lúng túng, vì khi đưa sinh viên đi đào tạo bệnh viện còn thiếu biên chế, nhưng khi học xong trở về thì đã đủ biên chế; hoặc có trường hợp phân công  học không đúng chuyên môn cũng khiến người trong cuộc phản ứng. Đó là chưa kể việc giữ bằng tốt nghiệp  và thời gian bố trí công tác quá lâu (gần 1 năm) cũng khiến nhiều trường hợp đào tạo theo địa chỉ không đồng tình.

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều