Nếu như các năm 2010-2011, mỗi năm tỉnh đào tạo được trên 10 ngàn lao động nông thôn thì trong 3 năm trở lại đây đã giảm xuống còn 4,5 đến gần 6 ngàn lao động do mạnh dạn cắt bỏ và không đào tạo những nghề không phù hợp, đặc biệt coi trọng công tác thanh kiểm tra thường xuyên.
Nếu như các năm 2010-2011, mỗi năm tỉnh đào tạo được trên 10 ngàn lao động nông thôn thì trong 3 năm trở lại đây đã giảm xuống còn 4,5 đến gần 6 ngàn lao động do mạnh dạn cắt bỏ và không đào tạo những nghề không phù hợp, đặc biệt coi trọng công tác thanh kiểm tra thường xuyên.
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho hay đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đề án 1956) là một công việc khó, vì trình độ của lao động nông thôn không đồng đều, có người còn chưa biết chữ, nhất là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đào tạo xong phải có vốn, đất để áp dụng… mới phát huy được tác dụng. Từ gần 3 năm nay việc dạy nghề chú trọng theo phương pháp xuống cơ sở cầm tay chỉ việc cho người dân, đồng thời mời doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo xong giới thiệu việc làm ngay. Từ việc được đào tạo nghề mà người dân có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao thu nhập dù vẫn làm nghề cũ.
Từ khi triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 38.310 người. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 18.997 người, công nghiệp và dịch vụ: 19.413 người. Tỷ lệ giải quyết việc làm hoặc có thể nâng cao thu nhập hơn so với trước khi học nghề là trên 80% (mục tiêu là 70%). Kinh phí đào tạo nghề giai đoạn 2011-2014 là trên 92,1 tỷ đồng. |
Nhờ chú trọng chất lượng nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng Nai đã hình thành nhiều mô hình cụ thể có thể nhân rộng. Cụ thể là: Chăn nuôi dê tại 2 huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ; nuôi gà thả vườn tại các huyện Định Quán và Thống Nhất. Tại các huyện Định Quán, Tân Phú mô hình liên kết với doanh nghiệp đào tạo nghề may công nghiệp sau đó giới thiệu việc làm ngay đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả thực chất của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (đề án 1956).
Theo lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội, thời gian đầu thực hiện đề án (từ 2010 đến 2011) để xảy ra sai phạm, Ban chỉ đạo tỉnh đã tiến hành thanh kiểm tra, chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm nên ở các địa phương cũng đã có hiện tượng triển khai một cách “e dè”. Bên cạnh đó, do có điều kiện nên người dân cũng tự học nghề nâng cao thu nhập mà không còn dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Mục tiêu của đề án 1956 trong năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 5,8 ngàn người được đào tạo nghề và trong giai đoạn 2016-2020 là 22,4 ngàn người, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 80%. Yêu cầu cao nhất khi thực hiện đề án được xác định là chất lượng, hiệu quả và tuyệt đối không được để xảy ra hiện tượng lãng phí, sai phạm về tài chính gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng tới ý nghĩa của đề án.
Thành Nam