Đe dọa, tự tử, giết người yêu, thậm chí là giết cả gia đình người yêu… là những vụ án đau lòng xảy ra vì hận và ghen tuông khi yêu.
Đe dọa, tự tử, giết người yêu, thậm chí là giết cả gia đình người yêu… là những vụ án đau lòng xảy ra vì hận và ghen tuông khi yêu.
Theo các chuyên gia, những hành vi nêu trên không phải tình yêu mà là sự cuồng loạn, ích kỷ đe dọa đến tính mạng của người khác, tự đẩy mình vào cảnh tù tội, bị xã hội lên án và hơn hết là đánh mất tương lai.
* Nhiều vụ án đau lòng
Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ nữ sinh A.T., 15 tuổi, tại huyện Cẩm Mỹ uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị người yêu tung clip “nóng” lên facebook. Cách đây khoảng một năm, em A.T. nảy sinh tình cảm với Phạm Tấn Lộc (22 tuổi). T. và Lộc quen nhau, cả 2 gia đình đều biết nhưng không quyết liệt ngăn cản. Gần đây, muốn con chuyên tâm học hành, gia đình T. khuyên em chấm dứt tình cảm với Lộc. Nghe lời cha mẹ, T. chủ động chia tay. Biết ý định chia tay của T., Lộc nhiều lần gây sự, đánh đập T., liên tục nhắn tin đe dọa sẽ trả thù T. bằng cách tung clip “nóng” của 2 người lên facebook. Chiều 18-6, T. lên mạng phát hiện đoạn clip “nóng” của mình và Lộc đã bị tung lên mạng xã hội, không chịu nổi dư luận, T. đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) trao đổi với thanh niên công nhân về kiến thức pháp luật. |
Cùng thời gian này, Công an huyện Long Thành cũng đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Bảo Toàn (27 tuổi) ở xã Lộc An về hành vi bắt giữ người trái phép. Sau 3 năm yêu nhau, thời gian gần đây Toàn thường hay chửi bới, đánh đập chị X. Không chịu nổi lối hành xử của Toàn, cách đây 3 tháng chị X. đã chủ động chia tay. Từ đó, Toàn thường xuyên gọi điện đe dọa sẽ đánh chết nếu chị quen người khác. Tối 3-5, Toàn tìm và khống chế chị X. đưa về nhà của Toàn. Tại đây, Toàn bắt chị X. quỳ gối và cắt hết mái tóc của chị rồi mới thả cho về.
Đã gần nửa tháng trôi qua nhưng vụ án thảm sát 6 người một gia đình ở huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) vẫn thu hút sự chú ý của dư luận. Bị gia đình người yêu ngăn cản, nghi can Nguyễn Hải Dương đã lên kế hoạch trả thù tình. Cả 6 nạn nhân, gồm: cha, mẹ, em trai, 2 em họ và chính người yêu cũ của Dương đều bị giết bằng những nhát dao chí mạng.
* không mất kiểm soát khi yêu
Là người đã từng yêu, Lê Phát Đạt, sinh viên năm 2, khoa xã hội (Trường đại học Đồng Nai) tỏ ra bất bình trước các vụ án trả thù người yêu bằng những hành động dã man trong thời gian vừa qua. Phát Đạt chia sẻ, nếu như ngày xưa “nam nữ thụ thụ bất thân”, thì ngày nay các bạn trẻ nam nữ được tự do yêu đương, tự nhiên thể hiện tình cảm chốn đông người. Giới trẻ có cái nhìn, quan niệm thoáng hơn về tình yêu. Và những câu chuyện, hình ảnh liên quan đến yêu đương tràn ngập trên các trang mạng xã hội khiến cho người trẻ học theo một cách thụ động. Trong khi đó, họ không được dạy dỗ một cách đúng đắn, lành mạnh về tình yêu nên dễ xảy ra những hậu quả không như mong muốn.
Từ những vụ án trả thù người yêu vì hận tình xảy ra trong cả nước thời gian qua, cho thấy tình yêu không còn là vấn đề của riêng 2 người nữa. Chị Bùi Thị Bích Thủy, Bí thư Tỉnh đoàn, cho rằng bên cạnh trách nhiệm quan tâm, giáo dục đức tính hiếu thảo, lễ phép, phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh”, định hướng thẩm mỹ cho con trẻ, gia đình cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để giải quyết các tình huống khó vượt qua trên đường đời. Bên cạnh đó, nhà trường và xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền các gương người tốt việc tốt, hạn chế các thông tin liên quan đến “đâm, chém, giết, hiếp”. Đặc biệt, ngành thông tin - truyền thông kiểm soát chặt chẽ thông tin, nhất là thông tin trên các trang mạng xã hội, các bộ phim truyền hình, các trò chơi game online mang tính bạo lực… |
Th.S Trương Văn Lợi, Phó khoa tâm lý lâm sàng (Bệnh viện tâm thần trung ương 2), cho biết không có quy định nào về cách yêu hay độ tuổi yêu. Tình yêu xuất phát từ trái tim, từ cảm xúc nên không có bất cứ rào cản nào. Bên cạnh cảm xúc, mỗi người còn phải có trách nhiệm với cuộc sống của nhau bằng cách giữ chừng mực để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Cũng theo Th.S Trương Văn Lợi, trong trường hợp một trong 2 người không còn muốn gắn bó, người còn lại nên tôn trọng, không cố bới móc tìm lý do rồi dằn vặt bản thân, sống khép kín. Hơn nữa, tình yêu không phải là sở hữu, khi chia tay mỗi người không vì lòng ích kỷ mà có những những hành vi và cảm xúc vượt quá giới hạn, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tương lai của chính mình, tổn hại đến người yêu. “Chia tay ai cũng đau khổ, nhưng chia tay không có nghĩa là kết thúc. Trong thực tế, cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp hơn để làm chứ không chỉ duy nhất có tình yêu. Chia tay đôi khi lại là cơ hội tốt cho cả hai đi đến những mối quan hệ tốt hơn” - Th.S Lợi nói.
Nguyễn Tuyết