Thời điểm này, học sinh lớp 12 trong tỉnh đã hoàn thành chương trình học chính khóa và bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7.
Thời điểm này, học sinh lớp 12 trong tỉnh đã hoàn thành chương trình học chính khóa và bước vào giai đoạn tăng tốc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7.
Một lớp ôn tập môn Tiếng Anh của Trường THPT Tân Hòa, TP. Biên Hòa. |
Ở các trường THPT trong tỉnh, đặc biệt là ở các trường ngoài công lập, học sinh đã được xếp lịch tăng tiết, ôn tập từ cách đây hơn 1 tháng.
* Học ngày, học đêm
Năm học này, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) có 789 học sinh lớp 12, trong đó có tới 80% học sinh của trường đăng ký dự thi ở cụm thi do trường đại học chủ trì để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, 20% học sinh còn lại đăng ký thi ở cụm địa phương. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố mẫu đề thi thử, các tổ bộ môn đã chủ động xây dựng kế hoạch, vạch nội dung ôn tập. Học sinh được chia lớp ôn tập theo những môn thi đã chọn. Đa số học sinh trong trường đều chọn thi 5 môn. “Từ đầu tháng 5 đến ngày 27-6, ngoài việc ôn tập 2 buổi sáng và chiều, nhà trường còn tiến hành truy bài ban đêm đối với học sinh lớp 12. Lịch học buổi tối chia thành 2 ca, ca đầu từ 17-19 giờ, ca thứ 2 từ 19 giờ 30 đến 21 giờ. Những em nào chưa thuộc bài sẽ được thầy cô khảo bài đến khi thuộc” - cô Nguyễn Thị Ngọc Lý, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết.
Theo lịch, ngày 5-5, tất cả các trường THPT phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh khối 12 về Sở GD-ĐT để chậm nhất là ngày 7-5, Sở GD-ĐT nộp về các cụm thi. Đồng thời, dựa trên số liệu thí sinh đăng ký thi tại cụm địa phương để sắp xếp, bố trí các điểm thi phù hợp, tạo thuận tiện cho học sinh, phụ huynh. |
Đây là năm học đầu tiên Trường THPT Tân Hòa (TP.Biên Hòa) có học sinh khối 12 dự thi với 109 thí sinh. Trong đó, chỉ có 15 em chọn cụm thi đại học, còn lại là chọn cụm thi địa phương để xét tốt nghiệp THPT. Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, cho hay: “Công tác ôn tập đang được nhà trường thực hiện ráo riết. Ngoài việc tăng tiết ban ngày, trường còn tổ chức ôn tập ban đêm cho các em. Trong số các môn tự chọn, nhà trường định hướng cho các em chọn môn Địa lý đối với cụm địa phương và môn Vật lý đối với cụm đại học”.
Thầy Phạm Duy, giáo viên môn Tiếng Anh Trường THPT Tân Hòa, chia sẻ: “Từ nay đến khi thi, các giáo viên tiến hành kiểm tra kiến thức, ngữ pháp, từ vựng và luyện cho học sinh viết bài luận. Dựa trên bộ đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xây dựng các bộ đề thi mẫu có dạng tương tự để các em ôn tập, làm quen với dạng đề và luyện kỹ năng đọc hiểu. Do là năm đầu tiên có học sinh dự thi và trình độ học sinh còn hạn chế nên giáo viên cũng chịu áp lực lớn trong việc ôn tập”.
* Ít học sinh thi sử
Theo ghi nhận tại các trường THPT, tại địa bàn TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện: Long Thành, Trảng Bom, môn Vật lý được đông đảo học sinh chọn làm môn thi thứ 4, đồng thời để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo khối A và D1. Ở những địa phương, như: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, môn Địa lý lại là môn được học sinh chọn thi nhiều nhất trong số các môn tự chọn. Có rất ít học sinh chọn thi môn Lịch sử, thậm chí có những trường không có bất kỳ học sinh nào chọn thi môn này.
Tiết ôn tập, tăng tiết của học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. Biên Hòa). |
Thầy Đinh Văn Hóa, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Trường chỉ có 5/404 em chọn thi môn Lịch sử. Nhà trường đã thống nhất với phụ huynh về thời gian ôn tập cho học sinh từ ngày 25-5 đến 28-6 tại trường. Những học sinh yếu được phân lớp ôn tập riêng, có giáo viên hướng dẫn hoặc ôn tập theo hình thức đôi bạn cùng tiến”.
Nguyễn Hoàng Đức, lớp 12 Trường THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Em chọn thi cụm đại học với các môn khối A để xét vào ngành công nghệ ô tô Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng hoặc Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Việc ôn tập rất căng thẳng vì ngoài học 8 tiết ở trường, em còn học thêm buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ ở nhà. Học suốt cả tuần nên em không có thời gian nghỉ ngơi, cha mẹ động viên nhưng cũng bắt học nhiều nên em hơi bị áp lực”. |
Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, môn học được học sinh chọn thi nhiều nhất là Vật lý, tiếp đó là Hóa học và Địa lý. Có rất ít em chọn thi môn Sinh học và không có em nào chọn thi môn Lịch sử. Số phận “hẩm hiu” của môn Lịch sử cũng lặp lại ở Trường THPT Trịnh Hoài Đức (huyện Trảng Bom) và THPT Tân Hòa (TP. Biên Hòa).
Phạm Thị Kiều Oanh, học sinh lớp 12C2 Trường THPT Tân Hòa, cho biết: “Em chọn thi ở cụm địa phương để xét tốt nghiệp. Ngoài 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh, em chọn thêm môn Địa lý. Ở lớp em, tất cả các bạn đều chọn môn thứ 4 là Địa lý vì được mang Atlas vào phòng thi, chúng em sẽ tự tin hơn. Không có ai dám chọn môn Lịch sử vì môn này nhiều sự kiện rất khó thuộc, khó được điểm cao”.
Hạnh Dung