Báo Đồng Nai điện tử
En

GD-ĐT Đồng Nai sau 40 năm: Những gam màu sáng

11:04, 29/04/2015

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngôi trường mới khang trang với đầy đủ giáo viên, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại đã thay thế hẳn những trường, lớp tạm bợ tranh tre, nứa lá.

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngôi trường mới khang trang với đầy đủ giáo viên, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại đã thay thế hẳn những trường, lớp tạm bợ tranh tre, nứa lá.

Học sinh không còn phải cuốc bộ hàng chục cây số để đến trường mà được học những ngôi trường ở gần nhà, hoặc có xe đưa rước, được ăn, nghỉ trưa ngay tại trường để tiếp tục học buổi thứ hai...

* Từ gian khó đi lên

Sau ngày 30-4-1975 bậc giáo dục mầm non chỉ có 1 trường mẫu giáo tập trung và vài ba trường mẫu giáo tư thục. Bậc giáo dục phổ thông có 329 trường tiểu học, 71 trường cấp 1, 2 và 16 trường THPT. Bậc giáo dục chuyên nghiệp chỉ có 1 trường. Tổng số học sinh các cấp chỉ có 207,1 ngàn. Đội ngũ giáo viên năm học 1975-1976 cũng chỉ có 5,8 ngàn người.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Điểu Xiểng tham dự cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2014-2015.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Điểu Xiểng tham dự cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2014-2015.

Đứng trước tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, giáo viên không đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, các phương tiện giáo dục đều thiếu hoặc chưa có, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo chính quyền áp dụng nhiều biện pháp kịp thời để giải quyết khó khăn về đội ngũ, như: vận động giáo viên từng dạy học trước năm 1975 ra đứng lớp, đào tạo cấp tốc, xây trường học bằng tranh tre, nứa lá để học sinh được đến trường. Vượt qua những gian khó bước đầu, đến năm 1980, việc xây dựng nền giáo dục mới ở Đồng Nai đã cơ bản hoàn tất trên tất cả các mặt.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 300 cơ sở và hơn 800 nhóm trẻ. Bậc tiểu học đã có 300 trường tiểu học, hơn 170 trường THCS và 66 trường THPT. Ngoài ra còn có 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường bổ túc văn hóa, 9 trung tâm và hơn 100 cơ sở giảng dạy ngoại ngữ, tin học, 5 trường cao đẳng, 5 trường đại học... Tỷ lệ trường học cao tầng đạt 71%. Ở các cấp học từ mầm non đến THPT đã có hơn 200 trường đạt chuẩn quốc gia.

Bằng những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, sau khi tiếp quản và cải tạo hệ thống trường lớp của chế độ cũ, ngành GD-ĐT Đồng Nai bắt tay vào xây mới hệ thống trường phổ thông, mẫu giáo; hoàn chỉnh bộ máy quản lý từ tỉnh đến các trường học; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên; xây dựng cơ sở vật chất mới cho hệ thống giáo dục; phát triển các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Từ đó tiến dần đến mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà và đất nước.

* Quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non An Bình (TX.Long Khánh), nhớ lại: “Năm 1975, trường không có cơ sở riêng, phải học tạm trong một trại vật tư. Điều kiện phục vụ dạy - học đều thiếu thốn, tạm bợ. Đến năm 1979, Trường mầm non An Bình được thành lập với cơ sở vật chất rất sơ sài, giáo viên thiếu, nhiều người chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, năm 2003 trường được xây mới, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trở thành trường chuẩn quốc gia. Trẻ mầm non được học bán trú ngay tại trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn, luôn nhiệt tình, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy, đem lại giờ học hứng thú cho trẻ”.

Nhà giáo Vũ Đình Sùng, nguyên Phó phòng Tổng hợp Sở GD-ĐT, hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, người đã gắn bó với ngành GD-ĐT Đồng Nai từ những ngày đầu giải phóng, cho biết GD-ĐT Đồng Nai sau 40 năm đã có những phát triển vượt bậc từ quy mô trường lớp, các điều kiện dạy học đến đội ngũ cán bộ, giáo viên. Từ một nền giáo dục khép kín, cứng nhắc, GD-ĐT Đồng Nai đã chuyển mình sang hệ thống giáo dục mở, liên thông, liên kết giữa các ngành học, cấp học, đa dạng hình thức học tập, tiến tới hình thành một xã hội học tập. Sự phát triển của ngành GD-ĐT đã đáp ứng ngày một tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đặc biệt là nâng cao mặt bằng dân trí, thể hiện qua việc Đồng Nai đã phổ cập tiểu học, chuẩn bị phổ cập THCS và tiến tới phổ cập THPT, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà cả về đội ngũ trí thức lẫn lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Sự phát triển nhanh, mạnh về chất và lượng của ngành GD-ĐT Đồng Nai đã, đang gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Không chỉ ở thành thị mà ở những vùng sâu, vùng xa như Đắk Lua (Tân Phú), Phú Lý (Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (Định Quán) cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, xây dựng các trường học từ mầm non đến THPT rất khang trang, sạch đẹp. Đồng Nai có 3 trường học dành riêng cho học sinh người dân tộc thiểu số trong tỉnh ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc và Tân Phú.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều đơn vị, cá nhân đã đứng ra xây dựng các trường ngoài tư thục với quy mô rộng, đa cấp học như các trường TH-THCS-THPT: Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân, Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa); THPT Văn Hiến (TX.Long Khánh)... Các công ty, doanh nghiệp, như: Pouchen, Phong Thái... cũng chung tay cùng địa phương xây dựng các trường mầm non cho con công nhân, giải quyết nhu cầu gửi trẻ cao của phụ huynh.

Hiện nay, tại Đồng Nai có hàng trăm trường học được trang bị các bộ thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại, như: bảng tương tác, máy tính xách tay, loa, tai nghe để học ngoại ngữ... Không còn cảnh thầy trò học chay trong các môn học, như: Hóa học, Vật lý, Sinh học mà thay vào đó là những tiết học sinh động, trực quan tại các phòng thí nghiệm với đầy đủ dụng cụ, thiết bị.

* Nâng chất đội ngũ nguồn nhân lực

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang chia sẻ: “Bước đột phá nhằm hướng tới đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT mà ngành chọn đó là nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho GD-ĐT. Bắt đầu từ khâu tuyển dụng đến bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, ngành luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc thi, giải thưởng liên quan đến khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin... để đổi mới phương pháp giảng dạy. Những năm gần đây, thông qua chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập do Sở Khoa học – công nghệ chủ trì, có tới 50% giải pháp là của ngành GD-ĐT và được ứng dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy. Ngành cũng có một hội đồng khoa học để tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp theo định hướng của Bộ GD-ĐT là tích hợp liên môn và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm mục đích đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong thời gian tới”.

 Học sinh Trường quốc tế APC Đồng Nai (TP.Biên Hòa) trong giờ học Tin học. Đây là ngôi trường quốc tế đầu tiên của Đồng Nai, được thành lập năm 2010.
Học sinh Trường quốc tế APC Đồng Nai (TP.Biên Hòa) trong giờ học Tin học. Đây là ngôi trường quốc tế đầu tiên của Đồng Nai, được thành lập năm 2010.

Hàng năm, Đồng Nai có trên 24 ngàn học sinh tốt nghiệp THPT, 5 ngàn học viên hệ trung cấp và 11 ngàn sinh viên cao đẳng, đại học. Tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước. Nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, trong các hội thi tay nghề, được tuyển thẳng vào các trường đại học. Đội tuyển Robocon của Trường đại học Lạc Hồng liên tục đại diện cho Việt Nam tham gia thi đấu tại các đấu trường khu vực, quốc tế và xuất sắc giành nhiều giải cao, làm rạng danh Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với những gam màu sáng, ngành GD-ĐT Đồng Nai đang ngày một tự tin và dần khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp GD-ĐT của cả nước.

An Yên

 

 

 

Tin xem nhiều