Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

09:04, 14/04/2015

2 năm qua, dự án trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế - xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới, do tổ chức Marie Stopes International (MSI) tại Việt Nam thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả.

2 năm qua, dự án trao quyền và nâng cao vị thế kinh tế - xã hội cho nữ công nhân nhập cư thông qua gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp đặc điểm về giới, do tổ chức Marie Stopes International (MSI) tại Việt Nam thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả.

Nữ công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam được tư vấn tại phòng khám BlueStar được đặt tại công ty. Ảnh: N.TUYẾT
Nữ công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam được tư vấn tại phòng khám BlueStar được đặt tại công ty. Ảnh: N.TUYẾT

Tại 9 doanh nghiệp thí điểm của 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, dự án đã góp phần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân, từ đó góp phần ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

* Ổn định sản xuất của doanh nghiệp

Dự án được triển khai tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương từ năm 2013 với mục tiêu tổng quát là đóng góp vào việc nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của nữ công nhân làm việc trong các nhà máy thông qua việc tiến hành thí điểm lồng ghép việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vào chương trình trách nhiệm xã hội của các nhà máy.

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức MSI tại Việt Nam, cho biết dự án mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe sinh sản cho công nhân, đã và đang nhận được sự ủng hộ tích cực của nữ công nhân lao động. 2 năm thực hiện thí điểm dự án tại 9 nhà máy, đã có hơn 230 lượt công nhân được tiếp cận thông tin và dịch vụ hỗ trợ kinh tế, xã hội, tâm lý và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình thiết yếu thông qua các hoạt động truyền thông, thảo luận nhóm, hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lưu động tại nhà máy, nhận thông tin chăm sóc sức khỏe qua tin nhắn, hỗ trợ tài chính cho công nhân qua thẻ dịch vụ tin nhắn…

 Chị Lương Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, cho biết dự án không chỉ mang lại kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản để chị hiểu rõ về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản mà bản thân còn mạnh dạn hơn trong việc thương lượng để đưa ra quyết định chọn lựa biện pháp tránh thai. Một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe được đặt tại nhà máy còn giúp các chị em thuận tiện hơn trong việc khám chữa bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Không chỉ mang lại lợi ích cho nữ công nhân, dự án còn góp phần ổn định sản xuất tại doanh nghiệp. Ông Lê Nhật Tân, đại diện Công ty TNHH Pousung Việt Nam, cho biết lợi ích mà dự án mang lại dễ thấy nhất, đó là năng suất lao động tăng, tỷ lệ nữ công nhân nghỉ ốm giảm và những sai sót trong sản xuất tại chính doanh nghiệp cũng giảm đáng kể.

* Duy trì tính bền vững của dự án

Để duy trì các hoạt động của dự án sau khi dự án kết thúc, bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở y tế, cho rằng dự án cần có đánh giá về chi phí và hiệu quả để người sử dụng lao động tham khảo. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng, về lâu dài các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông lao động nữ cũng nên tính toán đến việc tuyển dụng, đào tạo bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh có trình độ chuẩn.

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở y tế, chia sẻ: “Dự án này đã mang lại cho Đồng Nai, nhất là các doanh nghiệp thực hiện thí điểm dự án cơ hội tiếp cận các giải pháp mang lại lợi ích trực tiếp cho nữ công nhân lao động và lợi ích gián tiếp cho doanh nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp thực hiện tốt việc gia tăng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng và phù hợp sẽ góp phần giảm áp lực đối với ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, việc duy trì tính bền vững của dự án sau khi dự án kết thúc (tháng 12-2015) là hết sức cần thiết”.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xem việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động là việc làm thường xuyên, bởi có được một đội ngũ công nhân lao động có sức khỏe sẽ là tiền đề quan trọng để họ gắn bó với doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh đẹp qua việc đóng góp cho cộng đồng xã hội, từ đó tăng uy tín đối với khách hàng. Riêng với Ban Quản lý dự án tại Đồng Nai mà cụ thể là Sở Y tế, sau khi dự án kết thúc sẽ có khuyến nghị đối với các doanh nghiệp về vấn đề này, nhằm kêu gọi sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc chung tay cùng với ngành y tế làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho rằng để các doanh nghiệp đồng loạt thực hiện sau khi dự án kết thúc cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng. Nhà nước cần có chính sách dẫn đường để người sử dụng lao động thực hiện nhằm tạo ra một môi trường lao động tốt để thiết lập mối quan hệ hài hòa tại các doanh nghiệp, tạo điều kiện để người lao động được chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích