Sở GD-ĐT vừa tổ chức hội nghị triển khai quy chế thi THPT quốc gia đến tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Sở GD-ĐT vừa tổ chức hội nghị triển khai quy chế thi THPT quốc gia đến tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Thầy trò lớp 12A7 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa) làm bài tập môn Tiếng Anh. |
Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 1-7. Với số thí sinh tự do, lãnh đạo các trường THPT phải nhận hồ sơ đăng ký dự thi khi có yêu cầu, không được né tránh.
Những điểm đáng lưu ý
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Thí sinh của Đồng Nai tham dự kỳ thi THPT quốc gia để vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào các trường đại học, cao đẳng sẽ thi ở 2 cụm do Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Cụm thi địa phương dành cho thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp sẽ được Sở công bố khi có số lượng thí sinh đăng ký cụ thể trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”.
Thí sinh có 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau. Để tránh việc học sinh ghi sai, không khớp giữa 2 phiếu, các trường cần yêu cầu học sinh ghi một phiếu, sau đó photo thành phiếu thứ hai để học sinh ký tên.
Đề thi năm nay sẽ có nhiều câu và nhiều câu khó hơn, học sinh phải có kỹ năng đọc đề nhận biết được câu nào dễ, câu nào khó để chọn câu phù hợp, tránh mất điểm. Để thí sinh làm quen với cấu trúc và rèn luyện kỹ năng cần thiết, trong kỳ thi học kỳ 2 năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT sẽ ra đề bám sát với chương trình học, cấu trúc đề thi theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý các trường THPT chủ động trong công tác tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng trường. Tuy nhiên, phải đảm bảo kết thúc chương trình học đúng, đủ, không được cắt xén chương trình, đảm bảo quyền lợi cho học sinh ở mức cao nhất.
Chủ động trước kỳ thi
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường THPT đều đã cho học sinh đăng ký môn thi THPT quốc gia để xếp lịch ôn tập và nguyện vọng chọn cụm thi nào. Thầy Nguyễn Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết: “Đa số các em đều chọn 5 môn thi để có thời gian ôn tập kỹ lưỡng thay vì 6, 7 môn như lần đầu các em đăng ký”.
Tại Trường THPT Chu Văn An (TP. Biên Hòa), học sinh lớp 12 đã được xếp lịch ôn tập từ tháng 1-2015 theo những môn đã đăng ký. Để học sinh nắm rõ hơn về quy chế thi, hạn chế mức thấp nhất các sai sót khi làm thủ tục, ngoài công tác tuyên truyền của các giáo viên, nhà trường còn giao cho học sinh tự tìm hiểu, sau đó phổ biến cho nhau nghe trong giờ chào cờ hoặc sinh hoạt ngoại khóa theo nhiều hình thức khác nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Để tránh sự lúng túng và bị động trong công tác ôn tập, đưa thí sinh đi thi xa nhà, Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.Biên Hòa) đã tiến hành họp phụ huynh, bàn bạc, thống nhất kế hoạch ôn tập cho học sinh trong tháng 6 theo hình thức xã hội hóa, tức là phụ huynh tự nguyện đóng tiền học phí cho con ôn tập trong thời gian đã kết thúc năm học, đồng thời kết hợp với phụ huynh chuẩn bị chỗ ăn ở cho thí sinh khi đi thi. Thầy Võ Tá Tấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Việc thi học kỳ 2 sớm, từ ngày 8 đến 11-4 tạo thuận lợi cho các trường THPT hoàn chỉnh hồ sơ, học bạ cho thí sinh để các em nộp trước ngày 30-4”.
Theo ghi nhận từ lãnh đạo các trường THPT, có khoảng 15-20% học sinh lựa chọn thi ở cụm địa phương chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Ở các trường THPT, như: Ngô Quyền, Trấn Biên, Long Khánh, tỷ lệ này thấp hơn. Còn ở một số trường THPT ngoài công lập như THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc), có khoảng 50% học sinh (khoảng 250 em) đăng ký thi ở cụm địa phương. |
Hạnh Dung