Chiếm trên 50% lực lượng lao động, những năm qua, nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) không ngừng phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, từng bước tiến đến bình đẳng giới thực chất.
Chiếm trên 50% lực lượng lao động, những năm qua, nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) không ngừng phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, từng bước tiến đến bình đẳng giới thực chất.
Nữ công nhân Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong giờ làm việc. Ảnh: N.SƠN |
Để làm được điều này, nữ CNVCLĐ hiện nay vừa thực hiện tốt chức năng “kép”: phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, vừa phải nhận thức được vai trò của mình trong thực hiện bình đẳng giới để nỗ lực vươn lên khẳng định mình.
* Làm tốt chức năng “kép”
Nhắc đến chị Đinh Thị Tuyết Mai, chị em KP. 7, phường Thống Nhất đều biết đến chị với vai trò là chủ Spa Hoa Mai mà ít ai biết rằng trước khi thành lập spa, chị đã cùng chồng vượt qua nhiều khó khăn gầy dựng và làm chủ Công ty TNHH Vạn Gia Phúc. Từ năm 2009 đến nay, chị không trực tiếp làm giám đốc công ty mà lùi về phía sau hỗ trợ chồng, quản lý spa và chu toàn việc gia đình. Chị Tuyết Mai cho biết, mặc dù gia đình có người giúp việc, nhưng vai trò của chị trong gia đình vẫn không thay đổi. Việc đi chợ, tính toán thực đơn các món ăn, nấu ăn hàng ngày… chị đều tham gia để vừa hợp khẩu vị, vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình.
ThS Trần Thị Thủy, nguyên Phó hiệu trưởng Trường cán bộ phụ nữ Trung ương, cho biết vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định cũng đồng nghĩa với việc phụ nữ phải thực hiện cùng lúc vai trò “kép”: việc gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, phụ nữ thực hiện vai trò “kép” không có nghĩa là “ôm” hết việc để làm mà người phụ nữ phải biết “điều binh khiển tướng” - tổ chức tốt công việc gia đình, huy động các thành viên trong gia đình cùng tham gia chia sẻ công việc.
Mặc dù con còn nhỏ (con lớn học lớp 2, còn nhỏ mới 7 tháng tuổi) nhưng chị Trần Thị Kim Huệ, làm việc ở Phòng tài chính - kế hoạch (TP.Biên Hòa) thường xuyên có thời gian tham gia công tác xã hội, gặp gỡ bạn bè vào những ngày cuối tuần. Chị Kim Huệ chia sẻ, cả 2 vợ chồng cùng làm giờ hành chính, mặc dù không phân công nhưng cứ về đến nhà, vợ chồng lại mỗi người mỗi việc. Ngày cuối tuần, cứ xong xuôi việc nhà, vợ chồng chị thay nhau trông con để người còn lại tham gia hoạt động xã hội hoặc gặp gỡ bạn bè.
Cũng theo ThS Trần Thị Thủy, để các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc nhà, người phụ nữ cần phải có nghệ thuật. Bên cạnh việc quan tâm, chia sẻ tâm tư tình cảm của các thành viên trong gia đình, bản thân phụ nữ cần chú ý chăm sóc bản thân để trở thành người phụ nữ đẹp cả về hình thức lẫn tâm hồn.
* Nhận thức được vai trò của mình
Bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết để nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về bình đẳng giới, những năm qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đồng cấp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới trong CNVCLĐ, như: nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, sinh hoạt theo chủ đề “Vai trò người đàn ông trong gia đình”, “Chia sẻ trách nhiệm nam giới trong chăm sóc, dạy dỗ con cái”, “Cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp của nữ CNVCLĐ trong xã hội hiện đại”. “Bữa cơm gia đình chia sẻ yêu thương”…
Theo báo cáo của Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 2.658 Công đoàn cơ sở với trên 349 ngàn lao động nữ/gần 603 ngàn lao động (chiếm 58%). Trong đó, có trên 94 ngàn lao động nữ đạt danh hiệu lao động tiên tiến, xếp loại A trong sản xuất; trên 1 ngàn nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, trên 6,8 ngàn chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; có gần 47 ngàn gia đình nữ CNVCLĐ được công nhận gia đình văn hóa... |
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động không dễ dàng khi định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” thời phong kiến còn tồn tại trong tâm tưởng mỗi người dân Việt Nam. Định kiến giới làm cho phần lớn nam giới còn dè dặt trong chia sẻ công việc gia đình, khiến cho người phụ nữ còn tư tưởng an phận, tự ti, chưa thực sự nỗ lực vươn lên để khẳng định mình.
Để tiến tới bình đẳng giới thực chất, theo ThS Trần Thị Thủy, trước hết nữ CNVCLĐ cần phải nhận thức đúng về vai trò của mình trong thực hiện bình đẳng giới để nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình. Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề để có bình đẳng giới ngoài xã hội. Việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình nói riêng, ngoài xã hội nói chung không phải việc của riêng phụ nữ mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của nam giới và toàn xã hội. Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Phước Mạnh chia sẻ thêm, bình đẳng giới không có nghĩa là tìm ra tỷ lệ 50-50 mà điều quan trọng là việc nhìn nhận, đánh giá đúng mức sự cống hiến cũng như hưởng thụ của cả nam và nữ để phát huy hết tiềm năng của họ. Do đó, để nâng cao vị thế của nữ CNVCLĐ nói riêng, phụ nữ nói chung cần phải có chính sách hợp lý để khuyến khích phụ nữ nỗ lực vươn lên khẳng định mình.
Nga Sơn