Đây là mô hình được tỉnh chọn làm điểm tại xã An Phước (huyện Long Thành) từ tháng 7-2014. Hơn nửa năm thực hiện, bên cạnh kỹ năng tư vấn hòa giải của đội ngũ cán bộ công chức xã, ấp được bồi dưỡng, nâng cao; nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới có chuyển biến tích cực, một số vụ mâu thuẫn sau khi hòa giải đã không còn tái lại.
Đây là mô hình được tỉnh chọn làm điểm tại xã An Phước (huyện Long Thành) từ tháng 7-2014. Hơn nửa năm thực hiện, bên cạnh kỹ năng tư vấn hòa giải của đội ngũ cán bộ công chức xã, ấp được bồi dưỡng, nâng cao; nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới có chuyển biến tích cực, một số vụ mâu thuẫn sau khi hòa giải đã không còn tái lại.
Bà Võ Thị Bình kiểm tra tủ thuốc mà mô hình trang bị để sơ cứu ban đầu cho nạn nhân tại ấp 5, xã An Phước. Ảnh: C.TÚ |
Gia đình chị N.H. và anh M.H. (xã An Phước) đều làm công nhân. Với bản tính hay ghen nên khi thấy chị N.H. gọi điện thoại “tám chuyện” với bạn làm chung công ty, anh M.H. nghi ngờ nên gây sự với vợ và bạo hành chị N.H. tới xây xát mặt mũi. Sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần nên chị N.H. đòi ly hôn. Nhận được tin báo từ công an xã, bà Võ Thị Bình, cán bộ văn hóa - xã hội xã An Phước, Phó ban Chỉ đạo thực hiện ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới đã phối hợp với tổ phòng, chống bạo lực giới khu Bàu Cá trực tiếp đến tìm hiểu từ những người xung quanh, đến gia đình phân tích cho anh M.H. hiểu được cái lý, cái tình, thậm chí là hăm dọa. Nhiều lần, anh M.H hiểu ra hành vi thô bạo của mình là vi phạm pháp luật, làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng nên anh đã thay đổi, biết quan tâm chăm sóc vợ con hơn trước.
Bên cạnh việc đưa ra biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra tại địa phương, giúp các đối tượng gây ra bạo lực cho người khác chuyển đổi hành vi, các hoạt động tư vấn, tuyên truyền còn hỗ trợ cho các đối tượng bị bạo lực biết cách giải quyết mâu thuẫn, hạn chế xung đột trong các tình huống.
Bà Võ Thị Bình khẳng định, có được kết quả này là nhờ công tác tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, cổ động trực quan, như: xe tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát tờ rơi, sơ đồ địa chỉ nhà tạm lánh bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ và nhân dân xã… Ngoài ra, ban chỉ đạo thực hiện mô hình còn tổ chức gặp gỡ và ký cam kết “không bạo lực đối với phụ nữ” đối với các thành viên trong ban chỉ đạo, tổ phòng chống bạo lực giới và đại diện nhân dân xã An Phước.
Bà Võ Thị Bình cho biết, để mô hình hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới xã sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền; biên soạn, phát hành các tài liệu, tờ rơi, tờ bướm, đưa các nội dung, hình ảnh về phòng chống bạo lực giới đến người dân nhằm nâng cao kiến thức về giới trong nhân dân; tiếp tục tổ chức các buổi tọa đàm về nội dung phòng, chống bạo lực giới trong nhân dân, biểu dương các tấm gương điển hình làm tốt trong việc thực hiện mô hình.
Cẩm Tú