Trong những năm qua, tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2, bên cạnh điều trị bệnh bằng thuốc còn chú trọng điều trị bệnh bằng các phương pháp trị liệu tâm lý và các hoạt động phục hồi chức năng.
Trong những năm qua, tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2, bên cạnh điều trị bệnh bằng thuốc còn chú trọng điều trị bệnh bằng các phương pháp trị liệu tâm lý và các hoạt động phục hồi chức năng.
Nhân viên khoa phục hồi chức năng hướng dẫn bệnh nhân cắt chỉ trong xưởng may. |
Phải mất nhiều tuần kiên nhẫn, các điều dưỡng và nhân viên khoa phục hồi chức năng Bệnh viện tâm thần trung ương 2 mới tập xong tiết mục ca múa nhạc Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa cho một số bệnh nhân để tham dự hội thi văn nghệ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập bệnh viện, được tổ chức vào ngày 12-3.
* Đa dạng hoạt động phục hồi chức năng
Bệnh nhân Nguyễn Kim Khánh ở khoa bệnh nhân nữ C1 là một bệnh nhân nhiệt tình với phong trào văn nghệ, có thể chơi đàn organ và biểu diễn các động tác múa khá chính xác, nhịp nhàng. Chị Khánh đã điều trị tại bệnh viện 8 năm và nhờ liệu pháp âm nhạc mà bệnh tình thuyên giảm nhiều. Chị Khánh nói: “Đi tập văn nghệ vui lắm, được lên sân khấu biểu diễn rất vinh dự. Nhờ đó, tôi đỡ thấy nhớ nhà hơn, không còn hay đòi về nhà như trước nữa”.
Đường vào khu trung tâm Nhà thương điên Biên Hòa (năm 1934). |
Điều dưỡng Trưởng khoa phục hồi chức năng Huỳnh Thị Ngọc Xuân chia sẻ, phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đã được triển khai từ khi PGS.TS Nguyễn Văn Thọ còn làm giám đốc bệnh viện đến nay. Hàng ngày, nhân viên của khoa xuống tận các khoa lâm sàng để biểu diễn nhạc cho bệnh nhân nghe, cùng tập hát với bệnh nhân. Thậm chí, vào các ngày lễ, tết, bệnh viện còn mời các ca sĩ ở TP.Hồ Chí Minh và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai về biểu diễn. Qua âm nhạc đã khơi gợi bệnh nhân bộc lộ cảm xúc, nội tâm mâu thuẫn cần được giải quyết, mang đến cảm giác thư giãn, vui vẻ hơn.
Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (thuộc Bộ Y tế, đóng tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) được thành lập năm 1915, với tên gọi là Nhà thương điên Biên Hòa. Từ năm 2003 đến nay, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện tâm thần trung ương 2, quy mô 840 giường bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của bệnh viện với 2 nhiệm vụ chính là điều trị bệnh nhân tâm thần tuyến cuối và chỉ đạo tuyến chuyên khoa tâm thần cho các tỉnh phía Nam. Hàng năm, bệnh viện khám, điều trị và phục hồi chức năng cho hàng ngàn lượt bệnh nhân tâm thần giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. |
Ngoài âm nhạc, bệnh nhân còn được tập thể dục, chơi thể thao, như: tập dưỡng sinh, dân vũ, đá bóng, chơi bóng chuyền... để rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, với liệu pháp văn hóa, các nhân viên khoa phục hồi chức năng giúp bệnh nhân học các kiến thức về toán, văn, sử, địa lý, hoặc tổ chức các gameshow cho bệnh nhân tham gia luyện kiến thức nhằm rèn luyện trí nhớ cho họ. Song song đó, bệnh nhân còn tham gia lao động, như: dệt chiếu; cắt chỉ, đơm nút cho xưởng may của bệnh viện; trồng rau xanh... nhằm phục hồi kỹ năng lao động cho các bệnh nhân, thuận lợi hơn khi hòa nhập cộng đồng.
* Hiệu quả từ phương pháp trị liệu tâm lý
Phương pháp trị liệu tâm lý đưa vào áp dụng tại bệnh viện hơn 10 năm nay với sự ra đời của khoa tâm lý lâm sàng. Thạc sĩ tâm lý Trương Văn Lợi, Phó khoa tâm lý lâm sàng, cho biết hàng ngày các nhân viên của khoa đều xuống các khoa lâm sàng để điều trị cho bệnh nhân bằng liệu pháp nhóm, như: nhóm gặp vấn đề hành vi, nhóm không hợp tác khi điều trị, nhóm trốn viện... Tùy các nhóm đối tượng khác nhau mà các chuyên gia tâm lý đưa ra giải pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các chuyên gia tâm lý đều phải lắng nghe các chia sẻ của bệnh nhân và dựa theo suy nghĩ của họ để hướng họ có những hành vi đúng hơn. Các bệnh nhân tham gia rất hăng say và phần lớn tinh thần đều ổn định hơn sau khi điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Trại chăn nuôi trong bệnh viện (năm 1950). |
Khoa tâm lý lâm sàng không chỉ điều trị cho các bệnh nhân nội trú mà còn cả bệnh nhân ngoại trú đến từ nhiều tỉnh, thành phía Nam. Trung bình mỗi tháng có trên 100 người đến tham vấn, điều trị ngoại trú đối với các chứng bệnh lo âu, trầm cảm, mất ngủ. Số lượng điều trị ngoại trú có xu hướng ngày càng tăng và trong số đó có không ít trẻ em bị tự kỷ, tăng động, rối loạn ngôn ngữ.
Chị Đoàn Thị Vân Hà ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, 2 năm nay, chị đã đưa con trai 4 tuổi đi chữa trị nhiều nơi nhưng cháu vẫn chưa biết nói do chứng tự kỷ. Chị tìm đến Bệnh viện tâm thần trung ương 2 điều trị ngoại trú được 2 tuần nay, thấy cháu tập trung hơn, biết nói bập bẹ, nhận thức được một số điều xung quanh.
Trại bệnh người bản xứ (năm 1934). Ảnh: Tư Liệu |
Bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho biết hiện nay toàn bệnh viện có khoảng 1,3 ngàn bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là các bệnh mãn tính, như: tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần thực tổn, sa sút trí tuệ, rối loạn do căn nguyên tâm lý, do rượu, do chấn thương... Tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú có xu hướng tăng, phần lớn là bệnh tâm thần phân liệt.
Ngọc Thư