Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường THPT trong tỉnh đã lên kế hoạch phổ biến cho học sinh, phụ huynh, chuẩn bị đăng ký môn thi và sắp xếp lịch ôn tập nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường THPT trong tỉnh đã lên kế hoạch phổ biến cho học sinh, phụ huynh, chuẩn bị đăng ký môn thi và sắp xếp lịch ôn tập nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Một tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 12 Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh). |
Theo quy chế của kỳ thi, thí sinh được dự thi tối đa 8 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Thi càng nhiều môn, thí sinh càng có nhiều cơ hội xét tuyển đại học. Trong đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong 5 môn còn lại.
* Tăng tiết ôn tập
Ông Trần Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho biết trường đã cho học sinh vừa học vừa ôn tập theo khối thi A, D từ năm học lớp 10. Từ ngày 16 đến 21-3, trường tiến hành cho học sinh đăng ký môn thi quốc gia. Sau khi kết thúc chương trình học chính khóa, khoảng tháng 5, tháng 6, học sinh lớp 12 sẽ được phân lớp ôn tập theo từng môn đã chọn. “Vì là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi quốc gia nên nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Vì thế, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh để tư vấn, hướng nghiệp cho các em đạt kết quả cao nhất. Trường cũng lưu ý các em khi xét nguyện vọng 1 nên lựa chọn ngành, trường phù hợp với đam mê, sở thích nhưng phải sát với học lực của từng em để tránh sai sót” - thầy Tâm nói.
Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT trong tỉnh, thí sinh nên đăng ký thi từ 5-6 môn là hợp lý nhất, không nên chọn quá nhiều môn, dễ dẫn đến ôn tập dàn trải, không hiệu quả. Về môn Ngoại ngữ, thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ; có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được miễn thi môn này và được tính 10 điểm để xét công nhận tốt nghiệp. |
Là trường vùng sâu, vùng xa, nhưng từ đầu tháng 2, Trường THPT Đắk Lua (huyện Tân Phú) đã bắt đầu cho học sinh học tăng tiết 8 môn thi tốt nghiệp. Thầy Lê Minh Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế chính thức, trường đã tiến hành họp phụ huynh để phổ biến các quy định. Trường vừa phát phiếu để học sinh đăng ký môn thi. Năm nay, trường có 69 học sinh lớp 12, là vùng nông thôn nên có lẽ phần lớn các em sẽ chọn cụm thi địa phương (thi tại Trường THPT Đắk Lua hoặc liên trường THPT, do Sở GD-ĐT chủ trì; giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên THPT coi thi, chấm thi) để xét tốt nghiệp. Vì điều kiện học môn Ngoại ngữ hạn chế nên trường sẽ kiến nghị Sở cho môn thi thay thế”.
Học sinh Võ Thành Tâm, lớp 12 Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành), cho biết: “Ở trường, em có học ôn 2 môn là Toán và Tiếng Anh, mỗi tuần 4 tiết/môn. Ngoài 3 môn thi bắt buộc, em sẽ đăng ký thêm môn Vật lý và Địa lý để xét thi đại học. Em dự kiến xét tuyển ngành công nghệ thông tin, Trường đại học công nghệ thông tin (Trường đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Nếu nguyện vọng 1 không đậu, em sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường đại học công nghệ Đồng Nai”.
* Băn khoăn cụm thi
Theo quy định, thí sinh dự thi để vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ dự thi tại cụm do trường đại học chủ trì, gồm thí sinh của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên dự thi.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT, cho rằng: “Vì đề thi ở 2 cụm thi đại học và địa phương giống nhau nên tôi nghĩ rằng đa số các em sẽ chọn thi ở cụm đại học để mở ra cơ hội vào các trường đại học. Theo hướng dẫn của Bộ, đề thi tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12, có cả những câu cơ bản và những câu nâng cao theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tăng cường câu hỏi mở nên có thể đề thi sẽ dài. Thí sinh cần lưu ý đọc kỹ đề, tránh bỏ sót những câu hỏi dễ và mất điểm. Qua đây cũng đặt ra yêu cầu trong đổi mới cách dạy và học của nhiều trường THPT, tiến tới bỏ lối học tủ, học vẹt, tăng cường khả năng ứng dụng”.
Những thí sinh được miễn thi tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia là những người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc khu vực các môn văn hóa; những người trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc khu vực về khoa học - kỹ thuật, thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ. |
Là năm đầu tiên tổ chức thi theo cụm nên không ít ý kiến băn khoăn về công tác tổ chức kỳ thi sao cho khách quan, hiệu quả, khoa học. “Những năm trước, mỗi trường đại học chỉ phải tổ chức coi, chấm thi cho thí sinh thi vào trường mình. Năm nay, số lượng thí sinh dự kiến tăng gấp 2, 3 thì liệu các trường đại học có bị quá tải hay không? Số lượng thí sinh mỗi môn thi khác nhau nên việc điều giám thị coi thi như thế nào cho hợp lý? Công tác chấm thi, đặc biệt là các môn tự luận có đảm bảo chất lượng, công bằng?” - thầy Trần Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên, băn khoăn.
Không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh, học sinh cũng băn khoăn không biết cách thức tổ chức thi theo cụm như thế nào. Ông Bùi Quang Hùng (phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, có con học ở một trường THPT tư thục trên địa bàn TP.Biên Hòa), lo lắng: “Lực học của cháu chỉ ở mức trung bình, nếu thi ở cụm đại học sợ rằng điểm không cao. Chúng tôi đang băn khoăn không biết 2 cụm thi sẽ được tổ chức ở đâu và như thế nào”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT, cho biết sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ, Sở sẽ triển khai cụ thể xuống các trường THPT và tuyên truyền để phụ huynh nắm rõ.
Hạnh Dung