Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát hiện và điều trị sớm trẻ nhiễm HIV

09:12, 25/12/2014

HIV/AIDS là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Phát hiện và điều trị sớm cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em bị nhiễm HIV nói riêng sẽ góp phần duy trì sức khỏe cho trẻ và hạn chế số người nhiễm HIV mới.

HIV/AIDS là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Phát hiện và điều trị sớm cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em bị nhiễm HIV nói riêng sẽ góp phần duy trì sức khỏe cho trẻ và hạn chế số người nhiễm HIV mới.

 Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Tư vấn cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai.

Một trong những cách phát hiện sớm, đó là người mẹ khi mang thai nên tầm soát để được điều trị dự phòng lây từ mẹ sang con. Để điều trị đạt kết quả, ngoài việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng cần được người thân quan tâm đúng mức.

* Bệnh truyền từ mẹ sang con

Năm 2009, cha mẹ của emN. (TP.Biên Hòa) đột ngột qua đời với những triệu chứng giống với người bị HIV/AIDS, bản thân N. bị suy dinh dưỡng, da mặt sần sùi (9 tuổi, chỉ nặng 16kg) nên bà ngoại của N. đã đưa em đến phòng khám ngoại trú tại khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) khám thì phát hiện em N. đã bị nhiễm HIV. Sau 5 năm được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn dùng thuốc ARV đúng cách, đến nay số lượng tế bào miễn dịch trong máu của em N. đã tăng lên 1.500 tế bào với trọng lượng cơ thể gần 39kg. Hàng ngày em N. không chỉ phụ giúp ông bà ngoại công việc nhà mà còn đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa khác.

Tuy nhiên, trong số trẻ em bị nhiễm HIV không phải ai cũng may mắn như em N. Trường hợp của em P. là một điển hình. Em P. sinh tháng 1-2014 và được phát hiện nhiễm HIV trong quá trình điều trị nội trú tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Sau khi sinh được vài tháng thìP. phải nhập viện với những triệu chứng suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy… Sau một thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm nên các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra và phát hiện P. bị nhiễm HIV. Chỉ sau 2 tháng (tháng 8-2014) điều trị tại khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) em P. đã tử vong do sức đề kháng quá yếu.

Bà Lê Thị Kim Quy, Điều dưỡng trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), cho biết phòng khám ngoại trú tại khoa nhiễm hiện đang quản lý, theo dõi và điều trị ngoại trú cho khoảng hơn 100 trẻ bị nhiễm HIV, nguyên nhân chủ yếu là do mẹ bị nhiễm HIV truyền sang con. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhỏ phát hiện được trong cộng đồng, còn rất nhiều trẻ em khác bị nhiễm HIV nhưng do sợ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội nên đành im lặng. Do đó, sự kỳ thị của xã hội hiện đang là rào cản lớn đối với công tác điều trị HIV ở người lớn nói chung và trẻ em nói riêng.

* Cần điều trị và chăm sóc đúng cách

Thông thường một người nhiễm HIV nếu không được điều trị sẽ diễn tiến theo 3 giai đoạn, đó là: nhiễm trùng cấp, nhiễm trùng tiềm ẩn, biểu hiện triệu chứng và tiến triển tới AIDS - hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải khiến các bệnh nhiễm trùng cơ hội có cơ hội xuất hiện, các bệnh lý ác tính, sốt sụt cân, tiêu chảy kéo dài… Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Phó khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, ở trẻ em biểu hiện bị nhiễm HIV có nhiều điểm khác biệt so với người lớn. Một phần do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, một phần do trẻ nhận nhiều kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang. Thông thường ở trẻ bị nhiễm HIV, những triệu chứng sẽ xuất hiện vào tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 sau sinh  và hội chứng AIDS sẽ xuất hiện lúc trẻ được 9 tháng tuổi. Do đó, công tác xét nghiệm, tầm soát nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai là rất quan trọng. Nếu trong trường hợp mẹ bị nhiễm HIV, sẽ áp dụng phác đồ điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV cho con.

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (thuộc Bộ Y tế) cho rằng các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS, mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS trở nên khó kiểm soát hơn. Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long lý giải, kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế khả năng tiếp cận đến các dịch vụ về HIV/AIDS, như: dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV. Nhiều người vì sợ kỳ thị nên không đi xét nghiệm, giấu giếm bệnh tật và làm tăng nguy cơ lan truyền HIV cho người khác, khiến cho việc phát hiện HIV rất khó khăn. Bên cạnh đó, kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền lưu ý, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị HIV của bác sĩ, các bà mẹ sau sinh tuyệt đối không cho trẻ bú sữa mẹ mà phải thay bằng sữa bột. Đối với những trẻ sau sinh suy dinh dưỡng, thường mắc các bệnh, như: viêm phổi, tiêu chảy thì gia đình phải đưa trẻ đến ngay phòng khám ngoại trú của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hoặc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai để được hướng dẫn và phát hiện sớm. Với những trẻ giẫm phải kim tiêm, gia đình nên đưa trẻ đi xét nghiệm và uống thuốc điều trị dự phòng trong 6 giờ đầu tiên để ngăn chặn lây nhiễm HIV, quá 72 giờ thuốc điều trị sẽ không phát huy tác dụng.

Đối với những trẻ đã bị nhiễm HIV, để duy trì sự sống cũng như hạn chế lây nhiễm, ngoài việc điều trị bằng thuốc theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, trẻ cần được chăm sóc đúng cách, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, được chủng ngừa tất cả các loại bệnh (có vaccine). Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Trẻ nhiễm HIV cần được nuôi dưỡng bằng các thức ăn tươi, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS và đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ. Thêm vào đó, hàng tháng cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện và điều trị dự phòng các biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đặc biệt, cần cho trẻ thăm khám kịp thời khi thấy trẻ có những triệu chứng: sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh, xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, tiêu chảy, nôn ói, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây khác.

Nga Sơn

 

 

 

Tin xem nhiều