Phải mất 6 năm để chạm đến chức vô địch Robocon trong nước và mất đến 11 năm để đoạt vòng nguyệt quế Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đó là cả một chặng đường kiên trì nỗ lực đến cuộc thi Robocon của Trường đại học Lạc Hồng...
Mất 6 năm để chạm đến chức vô địch Robocon trong nước và mất đến 11 năm để đoạt vòng nguyệt quế Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Có thể thấy, chặng đường đến cuộc thi Robocon của Trường đại học Lạc Hồng là chặng đường kiên trì nỗ lực để chinh phục tri thức.
Bài 1: Một chặng đường chinh phục tri thức
Để đem được vinh quang cho đất nước, cho quê hương Đồng Nai, thầy và trò Trường đại học Lạc Hồng đã dồn nhiều tâm huyết và nỗ lực trong suốt chục năm qua...
Đội LH-NVN đại diện cho Việt Nam đoạt chức vô địch tại Cuộc thi Robocon châu Á- Thái Bình Dương 2014 ở Ấn Độ |
Từ bước đầu là đội “lót đường” cho các trường mạnh ở khu vực các tỉnh phía Nam, Robocon Lạc Hồng đã dần dần để lại ấn tượng và khẳng định “thương hiệu” của mình ở phạm vi quốc gia, rồi quốc tế.
* Robocon: Không chỉ là sân chơi
Năm 2005 - năm đầu tiên Trường đại học Lạc Hồng tham gia thi đấu Robocon với 2 đội. Ngay từ vòng bảng khu vực, đội đã thắng một số đội mạnh và vào chung kết vòng bảng. Th.S Nguyễn Bá Thuận, Trưởng ngành điện tử, Khoa cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng, khi ấy là sinh viên năm cuối đã dự thi mùa Robocon đầu tiên, nhớ lại: “Ngày ấy, các đội của Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh… làm mưa làm gió trong các cuộc thi Robocon. Đội của Trường đại học Lạc Hồng lần đầu đi thi, chưa có tên tuổi, vậy mà trong vòng bảng cũng thắng các đội mạnh nên rất hào hứng. Thành tích lần đầu đi thi vào đến chung kết toàn quốc được cho là thành công” .
Năm sau, Lạc Hồng đem 3 đội đi thi đấu nhưng bị loại ngay từ vòng bảng khu vực. Hai mùa Robocon tiếp theo 2007 - 2008, dù mang đến 5 đội thi đấu nhưng cũng chỉ dừng chân ở chung kết vòng bảng hoặc lọt vào vòng 1/16.
Nhìn lại chặng đường “khởi đầu nan” khi đến với cuộc thi Robocon, Th.S Nguyễn Bá Thuận đúc kết: “Ban đầu, các đội Robocon của trường chỉ “thi” chứ chưa “đấu”. Lúc đó đơn thuần nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên, chưa mang tính cạnh tranh cao”.
Về sau, nhận thấy đây là mô hình thực hành lý tưởng nên lãnh đạo Trường đại học Lạc Hồng tập trung đầu tư và đẩy mạnh việc ứng dụng lý thuyết thông qua cuộc thi Robocon. Cho đến tận bây giờ, từ các thế hệ lãnh đạo, giảng viên và cả sinh viên của nhà trường không bao giờ xem Robocon là một sân chơi. “Chúng tôi hoàn toàn không “chơi”, mà là “học” - một hội thi khoa học, giúp sinh viên nghiên cứu, sáng tạo và thực hành nên phải đầu tư bài bản” - Trưởng ngành điện tử, Khoa cơ điện - điện tử, khẳng định.
Chính vì được định hướng đào tạo nghiêm túc, nhiều sáng kiến - mô hình được đẩy mạnh triển khai, nên phong trào nghiên cứu Robocon lan rộng, giúp sinh viên Lạc Hồng có nhiều cơ hội thực hành với khoa học kỹ thuật…
* Khi phong trào lên cao
Một trong những thành viên đội Robocon đầu tiên của trường là Nguyễn Bá Thuận, sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại công tác tại trường, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê Robocon. Anh cho biết, nhận thấy không thể để phong trào nghiên cứu khoa học manh mún, lùa đại sinh viên đi thi thì sẽ không hiệu quả nên năm 2009, anh đã tham mưu với lãnh đạo khoa và trường tổ chức cuộc thi Robocon Lạc Hồng một cách khoa học và bài bản. Đây chính là bước đệm, là sự chuẩn bị rất kỹ để khi tham gia thi đấu tại các hội thi khu vực và quốc gia, sinh viên có thêm tự tin và đạt thành tích cao.
Lãnh đạo và giảng viên Khoa Cơ điện - điện tử chấm giải cuộc thi Robocon Lạc Hồng |
Theo đó, từ tháng 10 hàng năm, nhà trường phát động cuộc thi Robocon Lạc Hồng có chủ đề trùng với chủ đề của cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 1.500 sinh viên từ năm 1 đến năm 4 thuộc khối kỹ thuật đều có cơ hội ngang nhau thể hiện năng lực của mình. Các sinh viên tự tạo nhóm 5-7 thành viên đăng ký để tham gia cuộc thi. Sau đó, các đội trải qua các phần thi: ý tưởng trên máy tính, thiết kế cơ bản robot và 4 lần thi Robocon… Cuối cùng, 8 đội xuất sắc nhất đại diện Trường đại học Lạc Hồng dự thi Robocon khu vực phía Nam.
Với sự chuẩn bị cho cuộc thi kỹ càng và bài bản, Robocon Lạc Hồng đã có bước tiến rõ rệt. Sự tiến bộ ấy có thể đo đếm ngay bằng thành tích khi liên tiếp trong nhiều năm, các đội robocon của Trường đại học Lạc Hồng dự thi khu vực phía Nam luôn thắng dễ dàng các đội của các trường đại học công lập danh tiếng, giành nhiều suất vào vòng thi chung kết toàn quốc.
Cũng từ năm 2009, dần dần tên tuổi của Robocon Lạc Hồng nổi lên, thay thế các đội mạnh của khu vực phía Nam và trong nước. Đến năm 2012, Robocon Lạc Hồng dự thi 15 đội, thì đã có 12 đội vào chung kết toàn quốc và có 1 đội đoạt chức vô địch trong nước. Khi thi đấu ở châu Á - Thái Bình Dương, đội đoạt giải nhì.
Năm 2013, trường xuất quân 8 đội thì vào chung kết toàn quốc đến 6 đội. Trong đó, các đội của trường đều gom về các giải nhất, nhì, ba quốc gia, 2 đội của trường đã đạt giải nhì và 3 cuộc thi châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, năm 2014, 7/8 đội Robocon Lạc Hồng lọt vào vòng chung kết toàn quốc, đoạt hai giải nhất, nhì quốc gia và đoạt giải vô địch châu Á - Thái Bình Dương.
Song, trên cả thành tích cao tại các sân chơi quốc gia và khu vực, thành công của mô hình cuộc thi Robocon Lạc Hồng còn là việc truyền được niềm hứng khởi, đam mê nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cho hơn 1.500 sinh viên khối kỹ thuật trong toàn trường.
Võ Quang Thu, sinh viên lớp 10CD111, khoa cơ điện - điện tử, đội trưởng của đội LH-NVN vừa đoạt chức vô địch Cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Ấn Độ, cho hay: “Từ những năm 2010, khi đang còn là học sinh THPT, được theo dõi các đội của Trường đại học Lạc Hồng thi đấu Robocon trên truyền hình em đã rất mê. Mơ ước của em cứ ngày một gần hơn khi trở thành sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng, được đào tạo đúng chuyên ngành và thử sức trong môi trường rèn luyện bài bản. Mùa giải Robocon 2014, khi thi đấu ở khu vực miền Nam, trong nước, thành viên cả đội luôn tự tin với các đội đến từ các trường đại học danh tiếng. Đội chỉ lo nhất là các đối thủ “nhà” - của trường mình bởi trình độ ngang nhau và hiểu mình quá nhiều”.
Lâm Viên
(Còn tiếp Bài 2: Truyền lửa đam mê - Nối mạch ý tưởng)