Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải đào tạo thầy ra thầy và thợ đúng nghĩa là thợ

11:11, 14/11/2014

Nghỉ hưu từ năm 2005, nhưng đến nay kỹ sư Lê Tùng Hiếu vẫn không ngừng đi truyền lại ngọn lửa đam mê nghề của mình cho học sinh, giúp một số trường nghề nâng cao phương pháp dạy nghề chế tạo cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế...

Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty máy động lực - máy nông nghiệp Việt Nam và Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), Anh hùng lao động, kỹ sư Lê Tùng Hiếu năm nay bước sang tuổi 75. Ông từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu trong ngành chế tạo máy tại Tây Đức (nay là Cộng hòa Liên bang Đức), và một số nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông là người gắn bó với quá trình phát triển công nghiệp của Đồng Nai hàng chục năm liền, đồng thời là tác giả của nhiều sản phẩm máy nông nghiệp mang thương hiệu “Made in Vietnam”, không chỉ ăn sâu vào tiềm thức của nông dân Việt mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu chia sẻ: “Tôi bén duyên với nghề cơ khí chế tạo năm 12 tuổi khi học hết bậc tiểu học, sau đó tôi thi đậu vào Trường trung học kỹ thuật Cao Thắng (nay là Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng). Nhờ đam mê nghề, tôi được học bổng sang du học tại Tây Đức. Cuộc đời tôi đã lắm thăng trầm với nghề, nhưng tôi vẫn còn đó nhiều tham vọng”.

* Thăng trầm với nghề

 Nghề cơ khí đã ăn sâu với con người ông như thế nào?

- Hồi nhỏ cha mẹ tôi rất nghèo, nhưng tôi luôn cố gắng học. Học hết tiểu học, tôi thi đậu vào Trường kỹ thuật Cao Thắng để học nghề cơ khí. Sau mỗi buổi học, tôi lại tranh thủ chạy tới tiệm cơ khí của người quen để làm thêm, để có tiền ăn học, phần còn vì đam mê nghề. Nhờ thành tích học tập tốt, tôi và nhiều bạn học cùng khóa đã được sang du học ở Tây Đức, một trong những nước có nền cơ khí chế tạo bậc nhất thế giới thời đó.

 Sau khi hoàn thành chương trình học, sao ông không ở lại nước ngoài để có cơ hội phát triển sự nghiệp của mình?

- Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến việc sẽ trở về Việt Nam, mang kiến thức để chế tạo ra những chiếc máy, làm thay đổi cuộc sống của người nông dân chứ không hề nghĩ gì về lợi ích cho mình.

 Khi về Việt Nam, ông đã làm được những gì so với những dự định ban đầu còn ở nước ngoài?

- Tôi có nhiều lần đi và trở về Việt Nam, trong đó có lần về truyền đạt lại cho giáo viên trong nước phương pháp sư phạm dạy nghề cơ khí của Đức. Sau đó, tôi tiếp tục quay sang Đức để hoàn thiện chương trình kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Rồi tôi còn qua Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước cũng có nền cơ khí chế tạo máy phát triển để nghiên cứu học tập. Đi nhiều nơi và trở về Việt Nam, tôi đã cho ra đời nhiều chiếc máy, như: động cơ diezel 6 mã lực đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, máy bơm nước, máy gặt lúa, máy tuốt lúa, máy xay xát gạo...

 Hiện tại, ông thấy nền công nghiệp cơ khí chế tạo của nước ta đang đứng ở vị trí nào của khu vực và thế giới?

- Điều làm tôi luôn trăn trở là nền cơ khí chế tạo của nước ta đã bị đứng chựng lại nhiều năm nay, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ cũng chỉ mới bắt đầu phát triển. Sự thật là chúng ta đang bị tụt lại so với nhiều nước trong khu vực và cả trên thế giới.

 Đâu là nguyên nhân khiến nền cơ khí chế tạo của nước ta đứng chựng lại như vậy?

- Tôi nghĩ có vài lý do. Trước hết là sự cạnh tranh của sản phẩm nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Đây là những sản phẩm bán được tại Việt Nam với mọi giá, thậm chí rẻ gần bằng sắt vụn do được trợ giá. Mặt khác, trước đây nước ta cho phép nhập máy đã qua sử dụng một cách quá dễ dãi, nông dân thấy rẻ mà ham, nhưng họ không biết rằng máy cũ tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn và năng suất cũng kém hơn so với một chiếc máy mới trong nước sản xuất. Vấn đề nhập máy cũ nay đã được siết lại dần, nhưng vẫn còn là thách thức với sự phát triển công nghiệp chế tạo máy trong nước. Tôi còn cho rằng, chính sách và tư duy phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo của nước ta còn tồn tại nhiều bất cập để có thể đuổi kịp nhiều nước phát triển.

 Theo ông, nước ta ngày càng có nhiều kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành cơ khí chế tạo, phải chăng đó là tín hiệu vui?

- Tôi không lấy điều đó làm mừng, vì nhiều trường ngày nay chỉ đuổi theo đào tạo thầy, mà thầy cũng chưa hẳn ra thầy, trong khi đó thợ thì cũng chưa ra thợ. Chúng ta có nhiều thầy ở nhiều trình độ mà không có tích lũy về thời gian và kinh nghiệm. Ý tôi muốn nói là, sau khi tốt nghiệp cao đẳng thì liên thông một mạch lên đại học, cao học, thậm chí là tiến sĩ mà ít trải nghiệm thực tế.  Ở nhiều nước: Đức, Áo, Thụy Sĩ, Nhật Bản…, để được làm thầy dạy nghề cho người khác, nhà nước đòi hỏi rất khắt khe về kinh nghiệm thực tế, điều này được tích lũy nhiều năm trở lên. Có thạc sĩ ở Việt Nam đã nói với tôi, họ mới xài hết hai chiếc que hàn là đã có bằng thạc sĩ. Chính vì vậy, các sản phẩm mà giáo viên dạy hướng dẫn cho học sinh làm ra, bán không ai mua. Trong khi đó ở nước ngoài, sản phẩm của học sinh khi hoàn thành đã trở thành hàng hóa, bán được và học sinh kiếm ngay được tiền.

* Lối đi nào phù hợp?

 Gần đây có câu chuyện chúng ta chưa đủ trình độ để sản xuất nổi con ốc vít cho Tập đoàn Samsung Hàn Quốc. Ông nghĩ điều đó có “oan” không?

Về nghỉ hưu năm 2005 cho đến nay, kỹ sư Lê Tùng Hiếu vẫn không ngừng làm công việc mà ông yêu thích. Đó là hàng ngày đi truyền lại ngọn lửa đam mê nghề mà ông tích lũy được cho học sinh, giúp một số trường nghề tại Đồng Nai nâng cao phương pháp dạy nghề chế tạo cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế của Đức và Thụy Sĩ. Tất cả các công việc trên, ông đều làm tự nguyện, không nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Ông và những người bạn từng du học tại Đức đã mua bản quyền của 6 cuốn sách chuyên ngành cơ khí chế tạo, điện tử để dịch ra tiếng Việt, hiện đã dịch được 4 cuốn. Hiện tại ông đang là điều phối viên cho Tổ chức Wiap (Thụy Sĩ) về đào tạo nghề cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế tại Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu).

- Thật ra điều đó là không sai! Đó cũng là điều khiến tôi luôn trăn trở. Nhưng xin hãy khoan nói đến con ốc vít. Ngay như con bu lông tán để siết bánh xe ô tô, chi tiết to hơn nhiều con ốc vít nhỏ xíu của Samsung mà chúng ta chưa sản xuất được, phải nhập khẩu gần như hoàn toàn. Hình dáng con bu lông hay con ốc vít thì chúng ta có thể thiết kế được. Tuy nhiên, vật liệu thép nào, độ cứng bao nhiêu để khi siết sẽ không bị chờn ren thì lại không biết, vì trình độ của chúng ta quá non yếu. Nhất là khi chúng ta mới chỉ phát triển mạnh về thép xây dựng, còn thép chế tạo thì chúng ta chưa phát triển. 

 Vậy theo ông, cần phải làm gì để ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam, mà cụ thể là tại Đồng Nai có thể phát triển?

- Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển được ngành cơ khí chế tạo, ngành công nghiệp phụ trợ. Để làm được điều đó, phải đào tạo cho được đội ngũ thầy ra thầy và thợ đúng nghĩa là thợ. Chúng ta phải có đủ trình độ và năng lực sản xuất trong tay, để khi các nhà sản xuất chuyển giao thiết kế, công nghệ, chúng ta đều có thể tham gia ngay vào chuỗi sản xuất của họ được. Để được chuyển giao thiết kế, công nghệ sản xuất là điều khó nhất, vì không nhà sản xuất nào muốn lộ thiết kế, công nghệ cho người khác. Phải có những quy định rõ về thời gian, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chúng ta được tham gia khi doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta phải đầu tư mạnh máy móc, thiết bị sản xuất để khi có được đơn hàng, có được thiết kế, có được công nghệ thì chúng ta sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của đối tác.

 Các trường nghề của Đồng Nai có thể tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển công nghệ phụ trợ hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Phát triển công nghiệp phụ trợ của nước ta hiện nay mới đang bắt đầu. Các trường nghề còn rất nhiều cơ hội để nắm lấy cơ hội này, nhưng phải chủ động hơn để hiểu được doanh nghiệp cần nguồn nhân lực như thế nào, chứ không có gì đào tạo nấy như hiện nay. Nói thẳng ra là các trường nghề phải đến gõ cửa doanh nghiệp, hỏi xem doanh nghiệp cần gì? Làm thế nào mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp? Các học sinh trường nghề tốt nghiệp ra trường phải được doanh nghiệp đón nhận, từ đó mới kích thích.

 Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích