Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại hội thảo truyền thông về chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015, vừa diễn ra tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại hội thảo truyền thông về chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015, vừa diễn ra tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: HOÀI AN |
Để đạt được mục tiêu 95% trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vaccine sởi - rubella, bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia, việc điều tra đối tượng tiêm chủng đóng vai trò quan trọng nhằm không bỏ sót đối tượng, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.
* Lợi ích của tiêm vaccine sởi - rbella
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kiêm chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia, bệnh sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể gây dịch ở trẻ. Bệnh sởi có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm ở trẻ, như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não… dẫn đến tàn phế, tử vong. Trong khi đó, bệnh rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, vừa là nguyên nhân khiến cho 70-90% trẻ sinh ra mắc phải hội chứng rubella với một số dị tật nặng, như: tim bẩm sinh (chiếm gần 90%), đục thủy tinh thể (trên 45%), lách to (trên 37%), ban xuất huyết (gần 32%)… Cả 2 loại bệnh này đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và tiêm vaccine sởi - rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc sử dụng 2 mũi vaccine sởi cho trẻ (vào thời điểm 9 và 18 tháng tuổi) và tiêm vaccine rubella cho trẻ lúc 9 tuổi có thể giúp trẻ phòng bệnh tới 95%.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, Việt Nam sẽ có khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi được tiêm một mũi vaccine sởi - rubella miễn phí tại các điểm tiêm chủng trong trường học hoặc trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Trước khi tổ chức đồng loạt, cả nước đã có 61 huyện của 15 tỉnh, thành triển khai tiêm thí điểm với trên 455 ngàn trẻ được tiêm. Theo kết quả ghi nhận được thì có khoảng 246 trẻ có phản ứng sốt nhẹ sau tiêm (chiếm 0,05% số trẻ được tiêm) và chưa có trường hợp nào có phản ứng nặng. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, vaccine được sử dụng là an toàn. Tất nhiên, không có vaccine nào an toàn tuyệt đối, vẫn có những phản ứng nhẹ, như: sốt, sưng đau... sau tiêm nhưng với tỷ lệ rất thấp và các bậc cha mẹ có thể yên tâm.
* Thận trọng trong điều tra đối tượng tiêm chủng
Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng sẽ được tổ chức thành 3 đợt, gồm: đợt 1 (trẻ từ 1-5 tuổi) sẽ tiêm vào tháng 9 và 10-2014; đợt 2 (trẻ từ 6-10 tuổi) sẽ tiêm vào tháng 11 và 12-2014 và đợt 3 (trẻ từ 11-14 tuổi) sẽ tiêm vào tháng 1 và 2-2015. Mặc dù chưa tiến hành đồng loạt trên cả nước nhưng từ ngày 15-9 vừa qua, việc tiêm chủng mở rộng ở quy mô nhỏ đã được tiến hành thí điểm tại 4 huyện, thành phố của 4 tỉnh: Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế. PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay đây là đợt thí điểm về cách thức tổ chức tiêm chủng. Ghi nhận tại 4 điểm tiêm quy mô nhỏ, tỷ lệ trẻ được tiêm đợt 1 khá cao (86%), số trẻ bị hoãn tiêm sẽ tiếp tục được tiêm vét trong khoảng thời gian nhất định.
Khi đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi - rubella, các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm; chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ; hỏi cán bộ y tế về loại vaccine được tiêm lần này, những phản ứng có thể gặp phải và cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được theo dõi và kịp thời xử lý phản ứng bất thường (nếu có); tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm; tuyệt đối không được đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Đặc biệt, cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường, như: sốt trên 39OC, co giật, khó thở, tím tái, phát ban… |
PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, công tác điều tra và đăng ký đối tượng tiêm chủng phải được thực hiện một cách thận trọng, nhất là ở các tỉnh có tỷ lệ lao động nhập cư đông như Đồng Nai nhằm tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Nếu đối tượng bị bỏ sót, không những không đạt được mục tiêu tiêm chủng đề ra mà trẻ còn dễ bị dịch bệnh tấn công.
Để công tác điều tra, nắm bắt đối tượng tiêm chủng đạt hiệu quả, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng cán bộ y tế cần phối hợp chặt chẽ với công an khu vực, bởi đây là lực lượng nắm khá chắc số lượng dân cư thường trú, tạm trú, số nhân khẩu trong mỗi gia đình. Và trong quá trình điều tra, đăng ký đối tượng tại hộ gia đình nên kết hợp tuyên truyền về chiến dịch để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Riêng ở khu vực trường học, ban giám hiệu các trường cần được hướng dẫn thông tin để bố trí giáo viên, cán bộ y tế học đường (nếu có) thống kê, đăng ký đầy đủ học sinh theo từng lớp.
Nga Sơn