Tình trạng các bác sĩ được đào tạo bài bản của bệnh viện công lập bỏ ngang ra làm cho bệnh viện ngoài công lập đang khiến không ít bệnh viện đau đầu.
Tình trạng các bác sĩ được đào tạo bài bản của bệnh viện công lập bỏ ngang ra làm cho bệnh viện ngoài công lập đang khiến không ít bệnh viện đau đầu.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã có 5 bác sĩ xin nghỉ việc, trong số đó có cả những bác sĩ nằm trong đề án đào tạo và bồi dưỡng nhân lực của bệnh viện giai đoạn 2014-2018.
* Chưa đủ hấp dẫn
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết bệnh viện hiện có 221 bác sĩ, vẫn còn thiếu khá nhiều so với quy mô 1.400 giường bệnh. Để chuẩn bị đưa vào hoạt động bệnh viện mới, từ năm 2007 đến nay, bệnh viện đã cử 73 bác sĩ các chuyên ngành nội, ngoại, sản, mắt, tai mũi họng, gây mê hồi sức... đào tạo ở trình độ sau đại học. “Các bác sĩ được cử đào tạo do bệnh viện chi trả kinh phí, nhưng đã có những bác sĩ sau khi học xong bỏ bệnh viện đi làm nơi khác khiến bệnh viện vừa mất đi nguồn nhân lực, vừa mất thời gian, tiền bạc để đào tạo” - bác sĩ Ngô Đức Tuấn nói.
Bác sĩ trẻ mới về công tác tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân. |
Tương tự, tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ khi thực hiện chế độ thu hút (năm 2009) của tỉnh, đã có 25 bác sĩ về công tác, đa số là bác sĩ trẻ, bổ sung được phần nào lượng bác sĩ đang thiếu hụt tại bệnh viện. Thế nhưng gắn bó chưa được bao lâu, nhiều bác sĩ lại bỏ việc ra đi tìm một môi trường mới. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ: “Mỗi lần có bác sĩ lên chào để nghỉ việc, tôi đều hỏi xem lý do tại sao. Các bạn ấy không phàn nàn về môi trường làm việc nhưng tỏ rõ băn khoăn với thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng (đã cộng cả tiền lương tăng thêm), không đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy, dù đã cố gắng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhưng vẫn không thấm vào đâu so với mức lương 18-20 triệu đồng từ các bệnh viện ngoài công lập”.
Một bác sĩ sản khoa mới xin nghỉ việc ở bệnh viện tuyến tỉnh cho hay, từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp phải ở trọ, chưa có phòng mạch riêng nên thu nhập khá thấp. Vì vậy, khi được một bệnh viện ở Bình Dương mời gọi về với thu nhập khởi điểm 15 triệu đồng/tháng cùng chế độ nhà ở miễn phí, dù rất muốn gắn bó lâu dài với Đồng Nai nhưng cuối cùng cũng quyết định ra đi để bắt đầu lại từ đầu.
* Làm sao giữ chân?
Theo Sở Y tế hiện toàn ngành có 1.900 bác sĩ, đạt tỷ lệ 6,6 bác sĩ/vạn dân. Để đạt chỉ tiêu 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2015, Đồng Nai phải có 2.312 bác sĩ. Điều này có nghĩa là chỉ trong hơn một năm nữa, ngành y tế phải đào tạo, thu hút được 412 bác sĩ. Đây là điều không thể thực hiện bởi theo Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn, phấn đấu lắm đến năm 2015 ngành cũng chỉ có thể đạt được tỷ lệ 7 bác sĩ/vạn dân, tức là đào tạo, thu hút được thêm 135 bác sĩ so với con số hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng mới là con số được tính toán dựa trên số bác sĩ được đào tạo, thu hút, mời gọi về làm việc chứ chưa kể đến khoảng 50 bác sĩ trong số này sẽ chuyển công tác hoặc bỏ việc.
Tại buổi làm việc mới đây với ngành y tế, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng không thể có một ngành y tế tốt nếu không có đội ngũ tốt. Do đó, nguồn nhân lực ngành y tế phải đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng để hoạt động theo hướng chuyên môn hóa. Đặc biệt, ngành phải xây dựng được tiêu chí để đánh giá bác sĩ giỏi. Điều này không chỉ thể hiện ở trình độ chuyên môn của bác sĩ mà còn ở tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Chính người bệnh là đối tượng đánh giá rất rõ bác sĩ giỏi hay không giỏi, uy tín hay không uy tín. |
Theo lãnh đạo ngành y tế, mặc dù tỉnh đã ban hành chế độ thu hút bác sĩ với nhiều ưu đãi, đồng thời các cơ sở y tế trong tỉnh cũng có chế độ thu hút riêng nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút hoặc giữ chân bác sĩ, nhất là những bác sĩ giỏi. Lý giải cho điều này, Phó giám đốc Sở Y tế Trương Thị Thu Hằng cho rằng không riêng gì ở Đồng Nai, hiện rất nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những tỉnh lân cận, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu có chính sách thu hút bác sĩ với mức hỗ trợ cao hơn. Bên cạnh đó, ngay cả trong tỉnh mức thu nhập chêch lệch của bác sĩ giữa bệnh viện công lập với ngoài công lập cũng là một lý do khiến các bác sĩ bỏ việc. “Không ít bác sĩ trẻ khi mới ra trường lựa chọn về Đồng Nai làm việc nhưng chỉ là bước đệm để tìm kiếm một môi trường làm việc mới tốt hơn. Ngay cả con em của cán bộ ngành y tế cũng muốn ở lại TP.Hồ Chí Minh làm việc hơn là về tỉnh nhà” - bác sĩ Trương Thị Thu Hằng nói.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại Đồng Nai hệ thống y tế ngoài công lập đã phát triển mạnh mẽ với 5 bệnh viện tư nhân và hàng chục phòng khám đa khoa tư nhân. Điều này tạo sự cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực giữa khu vực y tế công lập và ngoài công lập. Đó là chưa kể rất nhiều bệnh viện ở ngoài tỉnh đang có chế độ thu hút, đãi ngộ khá hấp dẫn đối với bác sĩ, nhất là những bác sĩ có kinh nghiệm, uy tín. Vì vậy, nếu không có một chế độ đãi ngộ phù hợp, chính sách tiền lương cải thiện, điều kiện làm việc tốt cùng chương trình đào tạo (chính quy và đào tạo theo địa chỉ) hợp lý thì rất khó để Đồng Nai có đủ số lượng bác sĩ cần thiết để phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Minh Ngọc