Ngày 9-9-2014, Bộ GD-ĐT chính thức công bố về một kỳ thi THPT quốc gia chung sẽ được triển khai từ năm 2015 với mục tiêu lấy kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ngày 9-9-2014, Bộ GD-ĐT chính thức công bố về một kỳ thi THPT quốc gia chung sẽ được triển khai từ năm 2015 với mục tiêu lấy kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ cũng giao cho các trường được tự chủ và linh hoạt trong tuyển sinh và không còn quy định về các khối thi như trước đây nữa. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận, bởi nếu thực hiện đúng phương án này sẽ giảm được áp lực thi cử và chi phí. Thế nhưng đúng 10 ngày sau đó, Bộ lại ra công văn yêu cầu các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia vẫn phải giữ các khối thi như lâu nay.
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội liên quan đến kỳ thi quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định về cơ bản các khối thi vẫn giữ ổn định như những năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc các trường vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh theo các khối A, B, C... và học sinh vẫn học, ôn theo kiểu truyền thống. Riêng về cụm thi, ngoài các cụm thi ở các trường đại học, cao đẳng, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ được thi ở cụm địa phương. Lý do phát sinh “cụm thi địa phương”, theo lý giải của Bộ GD-ĐT là muốn tạo thuận tiện và giảm khó khăn cho những thí sinh ở nơi khó khăn, có hoàn cảnh khó khăn.
Dù Bộ GD-ĐT có đưa ra nhiều lý do để biện minh cho những thay đổi đến chóng mặt của mình đối với một kỳ thi có ý nghĩa quan trọng đối với hàng triệu học sinh thì dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi với những gì gọi là đổi mới mà Bộ này đang đưa ra. Kiểu đổi mới nửa vời đang khiến nhiều trường đại học, cao đẳng khổ sở vì phải sửa đi sửa lại phương án tuyển sinh; học sinh thì hoang mang bởi mới được thông báo bỏ khối thi nay tiếp tục phải học theo khối; giáo viên chưa kịp định thần rằng mình phải dạy và học sao cho phù hợp, còn phụ huynh thì đứng ngồi không yên bởi không biết con đường thi cử của con em mình sẽ đi về đâu...
Đổi mới thi cử là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi mà GD-ĐT của Việt Nam đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Thế nhưng dường như chúng ta vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn của cũ và mới, hiện đại và truyền thống. Chưa có một phương án tối ưu để thoát ra khỏi mớ bòng bong này, và vì thế giáo dục dường như vẫn giậm chân tại chỗ, rất khó để có bước phát triển bứt phá.
Chỉ còn khoảng 9 tháng nữa, kỳ thi THPT chung quốc gia lần đầu tiên sẽ được tổ chức. Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, nhiều người vẫn chưa hình dung ra được đâu là điểm đổi mới theo hướng có lợi cho học sinh mà phương án tuyển sinh này đang kỳ vọng đạt được. Và không biết từ nay đến lúc ấy, sẽ còn những thay đổi nào nữa không hay cải tiến lại là bước thụt lùi của giáo dục?
Minh Ngọc