Tại hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh lần thứ 4 (khóa IX) diễn ra ngày 27-6, việc các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã trở thành vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh lần thứ 4 (khóa IX) diễn ra ngày 27-6, việc các doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đã trở thành vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện tốt sẽ giúp người lao động an tâm sản xuất. (Trong ảnh: Người lao động mua hàng giảm giá trong chương trình Tuần lễ văn hóa công nhân Đồng Nai đang diễn ra tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2). Ảnh: C.Nghĩa |
Tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh có đến 962 DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, số tiền lên tới trên 158 tỷ đồng.
Người lao động thiệt thòi
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Công Ngôn cho rằng, tình trạng nợ BHXH hiện nay có trách nhiệm từ nhiều phía, trong đó cần xem xét trách nhiệm của tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong việc giám sát ban giám đốc các DN thực hiện chính sách đối với người lao động. Ông Ngôn đặt câu hỏi, tại sao có hàng trăm DN nợ BHXH nhiều tháng trở lên rồi mới tiến hành thanh tra mà không có giải pháp nào ngăn chặn sớm. Để người lao động không bị thiệt thòi, ông Ngôn đề nghị cán bộ CĐCS phải tăng cường giám sát việc đóng BHXH, nếu phát hiện có dấu hiệu nợ là phải đề nghị giải quyết ngay.
Theo ông Phạm Minh Thành, Phó giám đốc BHXH tỉnh, hiện có tới trên 81 ngàn sổ BHXH bị sai thông tin cá nhân, như: họ tên, ngày tháng năm sinh… chưa xử lý được. Trong khi đó, Công an huyện Vĩnh Cửu đã báo cho BHXH tỉnh biết có tình trạng cán bộ nhân sự của DN “bán” sổ BHXH do người lao động bỏ đi để chiếm dụng thời gian đã đóng bảo hiểm. |
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch Phan Thị Hiếu bức xúc cho biết trong việc DN nợ BHXH, đối tượng chịu thiệt cuối cùng vẫn là người lao động. Bà Hiếu cho rằng, BHXH là chính sách an sinh xã hội quan trọng của người lao động. Nhưng khi DN trốn nợ, người lao động chỉ còn biết đứng nhìn sau khi đã chạy tới đủ cơ quan để nhờ cậy, từ Công đoàn đến BHXH, ngành lao động - thương binh và xã hội, thậm chí là ở tòa án. Bà Hiếu khẩn thiết đề nghị, cần phải có một cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm về nợ BHXH khi DN chiếm dụng của người lao động rồi bỏ trốn.
Chủ tịch CĐCS Công ty Pousung Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho biết có trên 4 ngàn trong tổng số 21 ngàn lao động của công ty đang bị thiệt thòi bởi số công nhân này trước khi vào làm việc tại Công ty Pousung Vina đã làm ở các công ty khác và chưa được BHXH chốt sổ khi nghỉ việc.
Cần tiếng nói chung
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Cao Văn Hưng đề nghị, để hoàn thành trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần xây dựng chương trình “Công đoàn hỏi - Bảo hiểm xã hội trả lời” nhằm giải đáp thường xuyên các thắc mắc về chính sách này. Trong khi đó, một cán bộ CĐCS của Công ty Đông Phương (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) đề nghị BHXH cần linh hoạt để không gây phiền hà cho người lao động, bởi đã từng có trường hợp người lao động của công ty đã về đến Hà Tĩnh rồi mà còn phải trở lại Đồng Nai để sửa lại một dòng chữ trong thủ tục BHXH.
BHXH là một chính sách trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, nhưng tình hình nợ lại đang hết sức phức tạp, trong khi đó chính ngành BHXH lại không có công cụ đủ mạnh để xử lý. Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng, do BHXH không có chức năng thanh tra nên khi phát hiện DN nợ lại phải làm văn bản nhờ thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội giúp. Nhưng hiện nay cả Phòng Thanh tra của Sở Lao động - thương binh và xã hội chỉ có 17 người. Ông Thành làm phép tính đơn giản, Đồng Nai hiện có trên 5.400 đầu mối đóng BHXH, gồm cả đơn vị hành chính sự nghiệp, nếu chỉ cần thanh tra 2 ngàn đơn vị không thực hiện tốt chính sách này sẽ phải mất tới 4 năm mới xong.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt cho rằng tình trạng nợ BHXH hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc DN cố tình chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động. Thậm chí khi bị kiện ra tòa, DN nhận trách nhiệm về nợ BHXH nhưng trong tài khoản DN không còn tiền thì Nhà nước cũng không thể cưỡng chế trả nợ được. Ông Huỳnh Tấn Kiệt đề nghị, cả 3 bên: BHXH, lao động - thương binh và Công đoàn cần sớm phối hợp tìm những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để không còn tình trạng nợ BHXH như hiện nay.
Công Nghĩa