Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ

10:05, 31/05/2014

Tai nạn thương tích ở trẻ diễn ra quanh năm, song mùa hè là thời điểm gia tăng số trẻ bị tai nạn thương tích phải nhập viện.

Tai nạn thương tích ở trẻ diễn ra quanh năm, song mùa hè là thời điểm gia tăng số trẻ bị tai nạn thương tích phải nhập viện.

Điều trị một ca bị tai nạn thương tích tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Điều trị một ca bị tai nạn thương tích tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), cho biết: “Phần lớn những trẻ bị tai nạn thương tích là do sự bất cẩn của người lớn, trẻ không được đặt trong tầm quan sát của cha mẹ, phụ huynh thiếu kiến thức về xử lý các tai nạn thương tích  cho trẻ. Có những trường hợp trẻ bị gãy xương, bị bỏng nước sôi nhưng do gia đình không biết cách sơ, cấp cứu đã khiến cho tình trạng thương tích của trẻ nặng hơn, việc điều trị gặp khó khăn và kéo dài hơn”.

Còn bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa của bệnh viện, cho hay: “Hóc, mắc dị vật là những trường hợp rất thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài việc không cho các trẻ nhỏ chơi những vật tròn, vật sắc nhọn để tránh tình trạng trẻ nuốt phải, phụ huynh còn phải có kiến thức thực hành đúng về sơ, cấp cứu. Khi trẻ bị hóc dị vật, gia đình phải bình tĩnh đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa có dụng cụ, có kỹ thuật để lấy dị vật, tránh tự ý lấy dị vật, vì có thể không lấy được mà còn đẩy dị vật vào sâu hơn”.

Theo số liệu của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chỉ  trong quý I-2014 đã có trên 2.100 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 5, số ca tai nạn thương tích  tăng khoảng 30% so với những tháng đầu năm.

Mới đây, các bác sĩ ở khoa này đã xử lý một ca trẻ 4 tuổi nuốt một đoạn dây kẽm. Khi trẻ được đưa đến bệnh viện thì khu vực hầu họng của trẻ đã viêm tấy nặng vì gia đình cố hết sức lấy dị vật ra dẫn đến tình trạng bé bị viêm nhiễm, trầy trụa nặng vùng hầu họng, phải điều trị lâu hơn và khó khăn hơn.

Mùa hè là khoảng thời gian trẻ em trong nhiều gia đình được vui chơi thỏa thích sau một năm học. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian khó khăn với nhiều gia đình về việc quản lý, chăm sóc con cái. Do đó, theo khuyến cáo của các bác sĩ, dù bận rộn, nhưng các gia đình nên bố trí, sắp xếp để trẻ có được mùa hè bổ ích, an toàn. Ngoài ra, cha mẹ nên trang bị thêm kiến thức, sự hiểu biết để phòng tránh tai nạn cho trẻ, nhất là những kiến thức thực hành về sơ cấp cứu, như: bỏng, thương tích gây chảy máu… để khi trẻ gặp tai nạn thương tích, gia đình có thể thực hành đúng, nhằm hạn chế những tổn thương gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của trẻ.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều