Có một nhà khoa học đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng vẫn miệt mài, bền bỉ học tập không ngừng. Ông là một trong những người tham gia tư vấn, phản biện và giám định nhiều dự án quan trọng ở nhiều lĩnh vực trong cả nước trong đó có Đồng Nai.
Có một nhà khoa học đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng vẫn miệt mài, bền bỉ học tập không ngừng. Ông là một trong những người tham gia tư vấn, phản biện và giám định nhiều dự án quan trọng ở nhiều lĩnh vực trong cả nước trong đó có Đồng Nai. Đó là PGS.TS - Nhà giáo nhân dân HUỲNH VĂN HOÀNG.
* Sinh ra ở Bình Dương, học ở Hà Nội rồi Liên Xô cũ, ông đã có 35 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vì sao khi về hưu, ông lại “xông pha” vào trận địa tư vấn, phản biện và giám định xã hội, lĩnh vực vốn được xem là không “dễ nuốt”? Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của công tác này?
- Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, tôi tham gia Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp hội). Năm đó, Bộ Chính trị có Chỉ thị 45 và đến năm 2002, Chính phủ có Quyết định số 45 về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các Hội thành viên. Tôi thấy đây là chức năng rất hay của đội ngũ trí thức nên mạnh dạn “xông” vào.
Tôi tham gia phản biện ở rất nhiều lĩnh vực, cả kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị. Công tác này nếu được thực hiện trúng, chuẩn sẽ thiết thực chống lãng phí, tham ô, ứng dụng được các công nghệ mới, tiết kiệm được thời gian thi công, tránh được các nhóm lợi ích, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Chẳng hạn như dự án “Đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ”, chúng tôi đã tiến hành phản biện và chọn ga đầu ở TP. Hồ Chí Minh là ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) thay cho ga Thủ Thiêm, Hòa Hưng đã được Bộ Giao thông - vận tải dự kiến lựa chọn trước đó. Phản biện này được TP. Hồ Chí Minh chấp thuận vì không làm phá vỡ các quy hoạch đã có ở thành phố và đường sắt được rút ngắn lại, tiết kiệm được trên 2 tỷ USD.
PGS.TS Huỳnh Văn Hoàng đã tham gia làm Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng phản biện của 8 dự án tại Đồng Nai, gồm: Dự án “Trạm bơm xã Đắk Lua, huyện Tân Phú”; phim “Ảo ảnh” ; Dự thảo Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về xây dựng TP. Nhơn Trạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; “Trạm bơm xã Phú Tân, huyện Định Quán”; “Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”; “Hồ chứa nước Thoại Hương, huyện Cẩm Mỹ”; “Nạo vét suối Săn Máu” và “Hệ thống quản lý tòa nhà (BMS) của Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình Đồng Nai”. |
* Theo ông, các nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần có những phẩm chất gì?
- Điều cần có đầu tiên là kiến thức tổng hợp và chuyên sâu tương đối chắc cùng kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Về đạo đức, người làm tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải rất công tâm, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, làm việc khoa học, trung thực, khách quan, có ý thức trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nếu có lợi ích cá nhân thì sẽ bóp chết khoa học, làm biến dạng nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hay nói cách khác, muốn làm khoa học tốt, phải có tâm và có tầm. Làm khoa học gian truân lắm, nếu không thực sự đam mê, nỗ lực hết mình thì sẽ không bao giờ làm được.
* Duyên cớ nào khiến ông tham gia tư vấn, phản biện và giám định các dự án tại Đồng Nai?
- Năm 2006, tôi được anh Lâm Hiếu Trung (khi đó là Chủ tịch Liên hiệp hội Đồng Nai) mời làm Chủ tịch Hội đồng phản biện dự án “Trạm bơm xã Đắk Lua, huyện Tân Phú”. Với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, tôi nhận lời. Khi đọc nội dung dự án, chúng tôi thấy thiết kế như vậy là chưa được, cần phải sửa chữa để tránh lãng phí. Chúng tôi góp ý rất nhiều và đề nghị muốn thi công phải thiết kế lại. Sau khi chúng tôi phản biện xong thì Báo Đồng Nai có loạt bài viết về những công trình thủy lợi có vấn đề trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều dự án do công ty thiết kế này chịu trách nhiệm. Sau đó, giám đốc của công ty thiết kế bị bắt vì liên quan đến vấn đề tài chính. Mới đây, bên công ty tư vấn thiết kế chỉnh sửa lại bản thiết kế để hoàn chỉnh, hợp lý thì mới được thực hiện.
* Ông ấn tượng với dự án nào nhất ở Đồng Nai mà ông đã từng tham gia phản biện?
- Tôi đã trăn trở rất nhiều khi tham gia phản biện dự án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”, bởi đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của tỉnh Đồng Nai.
Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản liên quan và điều kiện thực tế để làm cơ sở pháp lý, tôi đã đề xuất, góp ý, bổ sung nhằm hoàn thiện thêm nhiều nội dung về các vấn đề, như: thực trạng kinh tế, lựa chọn phương án tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học - công nghệ và công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức cho tỉnh Đồng Nai…
PGS. TS- Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Hoàng sinh năm 1937 tại xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. 13 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, 17 tuổi tập kết ra Bắc, học Trường đại học bách khoa Hà Nội rồi Đại học Kharkov (Liên Xô cũ), làm nghiên cứu sinh ở Odessa rồi về nước giảng dạy. Năm 1975, ông cùng đoàn Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp từ Hà Nội vào tiếp quản các trường đại học ở Sài Gòn. Sau đó, ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng, Chủ nhiệm bộ môn Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Năm 1980, ông được phong Phó giáo sư; năm 1985, ông được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba và Huân chương Lao động hạng ba; năm 2008 được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Năm 2013, ông nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. |
* Đâu là vấn đề ông quan tâm ở dự án này?
- Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục và y tế, vì hiện nay điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở 2 lĩnh vực quan trọng này vẫn chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của tỉnh nhà. Ở lĩnh vực giáo dục, để đạt được tỷ lệ số sinh viên/vạn dân, đáp ứng nhu cầu trường lớp, tỉnh cần phải có nhiều chính sách hợp lý hơn nữa trong việc thu hút xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là giáo dục trung học và đại học. Là tỉnh có số lượng người nhập cư lớn, đặc biệt là đối tượng công nhân, tôi cho rằng Đồng Nai cần quan tâm hơn đến đối tượng này, phải xem họ là con em, máu mủ của Đồng Nai để có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
* Ông là người duy nhất trong 7 trí thức khoa học - công nghệ được vinh danh Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2014 mà không phải người Đồng Nai. Cảm nhận của ông như thế nào?
- Tôi nhận thấy đây là vinh dự lớn và nhắc nhở mình phải có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn nữa cho tỉnh Đồng Nai. Tôi xem Đồng Nai như chính quê hương của mình và sẽ tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều dự án khác trên địa bàn với mục đích góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày một tươi đẹp hơn. Trên cương vị Quyền Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ miền Đông (huyện Thống Nhất), tôi đang quyết tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có chất lượng cho Đồng Nai và đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Hội đồng xét chọn danh hiệu “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai” năm 2013 đã ghi nhận những đóng góp tích cực của PGS.TS - Nhà giáo nhân dân Huỳnh Văn Hoàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Những đóng góp thẳng thắn, có cơ sở lý luận, khoa học của ông đã góp phần phát hiện ra những sai sót trong một số dự án để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, đem lại tính khả thi cao. |
Hạnh Dung (thực hiện)